Bối cảnh
Ngày Lương thực Thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đại dịch này không chỉ làm gián đoạn hệ thống nông nghiệp thực phẩm mà còn gây ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sinh kế và thu nhập, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và bất bình đẳng.
Điều này nhắc nhở rằng đại dịch là thách thức toàn cầu gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống lương thực thực phẩm; gây ra đợt suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ.
Hệ thống lương thực thực phẩm, bao gồm toàn bộ chuỗi hoạt động liên quan đến cách chúng ta trồng trọt, chế biến, đóng gói, vận chuyển, lưu trữ, tiếp thị, mua và tiêu thụ thực phẩm của chúng ta, đóng một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và phát triển nông thôn. Hệ thống lương thực thực phẩm trên thế giới và tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể do biến đổi khí hậu và gần đây là đại dịch COVID19.
Với mục tiêu không còn nạn đói, chống lãng phí thực phẩm, đây cũng là chìa khóa của Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030. Chúng ta sẽ không thể đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chẳng hạn như giáo dục có chất lượng và sức khỏe tốt cho tất cả mọi người, nếu không thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là xóa đói. Lương thực và nông nghiệp cũng là trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 nhằm chấm dứt đói, nghèo và suy dinh dưỡng, lãng phí thực phẩm nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Do đó, việc phát triển nông nghiệp và chống lãng phí thực phẩm được xem là giải pháp thực hiện sáng kiến không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Vai trò của FoodBank Việt Nam trong việc chống lãng phí thực phẩm tại Việt Nam
Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (FoodBankVietNam.com) là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với sứ mệnh cung cấp thực phẩm miễn phí cho người yếu thế và thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm. Food Bank Việt Nam được ra đời từ năm 2016 và hiện là 1 thành viên của Mạng lưới Food Bank toàn cầu với 53 nước thành viên có trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Tại Việt Nam Food Bank hoạt động với sự bảo trợ của Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam và Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam ( Thuộc TW Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam) theo mô hình doanh nghiệp xã hội với pháp nhân là: Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã Hội Food Share.
COVID-19 đã làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Các ngân hàng lương thực do địa phương lãnh đạo trên khắp thế giới đang giải quyết nạn đói một cách hiệu quả và củng cố cộng đồng thông qua các mối quan hệ lãnh đạo, năng lực đối tác và phạm vi tiếp cận của họ. Ngân hàng Thực phẩm Food Bank Việt Nam (FBVN) đại diện cho một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng này tại Việt Nam giúp hỗ trợ thực phẩm tuyến đầu đồng thời cung cấp một phản ứng dựa vào cộng đồng nhằm xây dựng khả năng phục hồi cho tương lai.
Theo FBVN nghiên cứu và khảo sát có 3 nhóm đối tượng chính đang cần sự trợ giúp của Foodbankvietnam.com. Đó là những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng không có điều kiện nấu ăn, những người bị ảnh hưởng nhưng có điều kiện nấu ăn và những người được hỗ trợ dài hạn như người vô gia cư, người đến từ các mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão…
Với mỗi một nhóm đối tượng, Foodbankvietnam.com cố gắng cung cấp những phần ăn hoặc thực phẩm phù hợp với điều kiện sống và chế độ dinh dưỡng của họ.
Hiện tại, quy mô của Food Bank Việt Nam (FBVN) đã mở rộng khắp 3 miền với các Foodbank mini rải từ Bắc vào Nam. FoodBank Việt Nam có gần 30 đối tác là những doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm lớn như C.P Group, BRG Group, các siêu thị như Metro, Big C…
Kể từ khi dịch Covid- 19 bùng phát trở lại, cùng với nhiệm vụ cấp bách triển khai các giải pháp khống chế, kiểm soát dịch, công tác chăm lo, bảo đảm đời sống cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, lực lượng tuyến đầu chống dịch được FoodBank Việt Nam đặc biệt quan tâm. Qua đó kể từ năm 2020 đến nay, FoodBank Việt Nam đã sáng lập và vận hành nhiều dự án đi đầu trong phong trào hỗ trợ, phòng chống dịch như: “Nhà hàng chia sẻ“, “Bếp yêu thương“, “Tủ lạnh 0 đồng“, “Xe di động phát cơm miễn phí“, “Khách sạn cộng đồng“, “Siêu thị chia sẻ“, “Bệnh viện tại nhà“, “Xe cấp cứu 0 đồng” hỗ trợ hàng triệu suất ăn miễn phí, hàng triệu tấn thực phẩm trên cả nước… Food Bank Việt Nam mong muốn được đóng góp một phần sức mình nhằm chung tay chia sẻ khó khăn, vất vả đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn – nhóm người dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh COVID-19, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đồng thời hy vọng có thể lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, tinh thần ‘tương thân tương ái và cổ vũ, động viên người dân cùng nhau chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Foodbank Viet Nam