Sáng ngày 29/9, Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam và Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu ra mắt chiến dịch Ngừng lãng phí thực phẩm – Stop Food Waste và Giới thiệu cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm tại Việt Nam nhân dịp Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm (29/9).
Hoạt động tuyên tuyền, nâng cao nhận thức “Ngừng lãng phí thực phẩm” trên tuyến đường TPHCM
Chiến dịch Ngừng lãng phí thực phẩm là chiến dịch trọng tâm, tiêu biểu xuyên suốt trong tổng chuỗi chiến dịch “Food For Change 2024” được triển khai từ tháng 9 cho đến ngày 16.10, trên tất cả hệ thống mạng lưới Ngân hàng thực phẩm tại Việt Nam. Chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về thực trạng lãng phí thực phẩm, khuyến khích mọi người thay đổi thói quen tiêu dùng thông thái nhằm tiết kiệm và giảm thiểu lãng phí thực phẩm như hiện nay.
Chiến dịch Ngừng lãng phí thực phẩm – Stop Food Waste
Chiến dịch Ngừng Lãng phí Thực phẩm – Stop Food Waste với mục tiêu giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm trong cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường và hỗ trợ an ninh lương thực, nâng cao nhận thức về vấn đề lãng phí thực phẩm, từ đó khuyến khích hành động từ các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức cùng chung tay thực hiện.
Chiến dịch này đóng vai trò quan trọng trong việc:
– Tuyên truyền và Giáo dục: Cung cấp thông tin về tác động tiêu cực của lãng phí thực phẩm đối với môi trường, kinh tế và xã hội.
– Khuyến khích Hành động: Thúc đẩy mọi người thực hiện các biện pháp giảm thiểu lãng phí, từ việc mua sắm thông minh đến việc bảo quản thực phẩm hiệu quả.
– Hỗ trợ Chính sách: Góp phần tạo ra và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ việc giảm lãng phí thực phẩm ở cấp địa phương và quốc gia.
Các doanh nghiệp, tổ chức, trường học ký cam kết Ngừng lãng phí thự phẩm
Với mục tiêu chính:
– Giảm Thiểu Lãng Phí: Hướng đến việc giảm lượng thực phẩm bị lãng phí trong các hộ gia đình, nhà hàng và chuỗi cung ứng.
– Tăng Cường Quyên Góp Thực Phẩm: Khuyến khích việc quyên góp thực phẩm dư thừa cho các tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người gặp khó khăn.
– Bảo Vệ Môi Trường: Giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ việc phân hủy thực phẩm tại bãi rác.
– Thúc Đẩy Bền Vững: Khuyến khích sự phát triển bền vững trong nông nghiệp và tiêu dùng thông qua việc giảm thiểu lãng phí.
Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm tại địa phương đã vận động tuyên truyền tham gia của mọi gia đình, doanh nghiệp, nhà hàng – siêu thị – các đơn vị kinh doanh, phân phối thực phẩm cùng nhiều tổ chức chung tay hành động thông qua những việc làm đơn giản: mua sắm thông minh, bảo quản thực phẩm đúng cách và sáng tạo trong việc tận dụng thực phẩm thừa, tái chế rác thực phẩm hữu cơ bảo vệ môi trường.
Các hoạt động tại Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam đã phát động và thực hiện giảm thiếu tình trạng lãng phí thực phẩm, bảo vệ môi trường: Thu gom thực phẩm còn sử dụng được tại các nhà vườn, chợ đầu mối; Thu hồi thực phẩm tại các chuỗi cửa hàng cafe, bánh ngọt,… trao tặng cho người lang thang, cơ nhỡ, mạng lưới thụ hưởng của Ngân hàng thực phẩm Việt Nam. Những sản phẩm khác như bã trà, bã cafe, rác thải hữu cơ, Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam sẽ chuyển về các Vườn thực phẩm cộng đồng của Food Bank Việt Nam (Nông Lâm Food Bank Garden, Green Community), để tái chế thành thức ăn chăn nuôi, ủ phân, trồng rau, cây xanh,…những sản phẩm còn sử dụng được, Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm sẽ trao tặng lại cho các mái ấm, nhà tình thương, các đơn vị đối tác đã đồng hành trong hoạt động,…trở thành một vòng tròn khép kín với mục tiêu và sứ mệnh giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm trong cộng đồng.
Chiến dịch Ngừng Lãng phí Thực phẩm không chỉ là hành động thiết thực để giảm thiểu lãng phí, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững cho cộng đồng.
Giới thiệu cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm tại Việt Nam
Ban tổ chức công bố, giới thiệu Cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm trong trong khuôn khổ chuỗi chiến dịch
Phòng khám Luật thực phẩm và Chính sách của Trường Luật Harvard (FLPC), Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Toàn cầu (GFN) và Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam đã xác định các cẩm nang khuyến nghị chính có thể giúp Việt Nam giảm thiểu tình trạng mất mát và lãng phí thực phẩm, bảo vệ hành tinh và nuôi sống hàng triệu người. Nghiên cứu mới này là bổ sung mới nhất cho Atlas Chính sách Quyên góp Thực phẩm Toàn cầu, phân tích các luật và cẩm nang khuyến nghị ảnh hưởng đến việc quyên góp thực phẩm tại hơn 25 quốc gia trên thế giới.
Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm thiểu nạn đói, vẫn còn 5% dân số thiếu dinh dưỡng và 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, tương đương với 2% GDP. Còn nhiều thực phẩm an toàn để dùng và giàu dinh dưỡng, có thể được chuyển đến những người đang đối mặt với nạn đói. Ngân hàng thực phẩm Việt Nam hiện đang tích cực làm việc với nông dân và cứu vãn thực phẩm dư thừa trước khi chúng bị vứt bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả hành tinh, vì mất mát và lãng phí thực phẩm chịu trách nhiệm lên tới 10% phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam đã có những bước quan trọng để giải quyết những vấn đề này với Kế hoạch Hành động Quốc gia về Chuyển đổi Hệ thống Thực phẩm hướng tới Minh bạch, Trách nhiệm và Bền vững, những nghiên cứu mới này phác thảo thêm các bước có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc quyên góp thực phẩm cho những người gặp khó khăn và tiếp tục đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu “Không còn nạn đói”. Các khuyến nghị chính sách trong nghiên cứu bao gồm:
● Ban hành luật “Người Samari tốt” cho việc quyên góp thực phẩm, cung cấp bảo vệ trách nhiệm pháp lý cho các nhà tài trợ thực phẩm và các tổ chức cứu trợ thực phẩm hoạt động với thiện chí, tương tự như các luật hiện có tại Hoa Kỳ, Brazil và Singapore.
● Thực hiện hệ thống nhãn dán hai ngày, phân biệt rõ ràng giữa ngày dựa trên an toàn và ngày dựa trên chất lượng, cho phép quyên góp sau ngày dựa trên chất lượng để đảm bảo rằng nhãn ngày không dẫn đến việc tiêu hủy thực phẩm vẫn an toàn cho tiêu dùng.
● Bao gồm quyên góp thực phẩm trong danh mục các khoản đóng góp được khấu trừ thuế và cung cấp tín dụng thuế cho việc quyên góp thực phẩm và các hoạt động khác giúp giảm lãng phí thực phẩm.
● Thông qua chính sách Quốc gia ngăn chặn lãng phí thực phẩm yêu cầu quyên góp thực phẩm dư thừa và/hoặc áp dụng hình phạt tiền đối với lãng phí thực phẩm khi vẫn còn phù hợp cho tiêu dùng.
● Đặt ra mục tiêu quốc gia về giảm thiểu mất mát và lãng phí thực phẩm và chỉ định một Bộ trưởng chính phủ dẫn dắt các nỗ lực này.
Bà Emily Broad Leib, Giáo sư luật lâm sàng tại Trường Luật Harvard và giám đốc khoa của FLPC chia sẻ:“Rất nhiều thực phẩm an toàn, ăn được bị lãng phí mỗi ngày. Nhưng các hệ thống có thể thay đổi để đảm bảo thực phẩm dư thừa lành mạnh đến được với những người có nhu cầu thay vì lãng phí trong bãi rác nơi nó thải ra khí metan và góp phần vào biến đổi khí hậu”, Emily Broad Leib, giáo sư luật lâm sàng tại Trường Luật Harvard và giám đốc khoa của FLPC cho biết. “Các khuyến nghị của chúng tôi đối với Việt Nam được xây dựng dựa trên sự phát triển của địa phương và đổi mới địa phương, đồng thời giúp thiết lập một lộ trình phía trước cho các nhà lãnh đạo Việt Nam để giảm lãng phí thực phẩm, tăng cường quyên góp lương thực, nuôi sống những người đói và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường.”
Bà Lisa Moon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Toàn cầu cho biết: “Như trường hợp ở hầu hết các quốc gia, ngày nay ở Việt Nam, việc gửi thực phẩm lành mạnh đến bãi rác rẻ hơn và dễ dàng hơn so với tặng cho những người đang đối mặt với nạn đói. Tin tốt là chính phủ Việt Nam đã chủ động trong việc giải quyết thất thoát và lãng phí lương thực và các khuyến nghị chính sách của chúng tôi có thể giúp họ tiếp tục đạt được sự tiến bộ ấn tượng hướng tới mục tiêu Không còn nạn đói”, Lisa Moon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Toàn cầu cho biết. “Food Bank Việt Nam là tổ chức tiên phong trong việc phục hồi và phân phối lại thực phẩm cũng như đặt nền tảng vững chắc cho việc hỗ trợ quốc gia giảm lãng phí thực phẩm và nâng cao dinh dưỡng cho nhiều người hơn.”
Bà Lisa Moon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Toàn cầu, chia sẻ trực tuyến về Cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm và chúc mừng lễ ra mắt Chiến dịch “Stop Food Waste”.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam chia sẻ về chiến dịch Stop Food Waste và Cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm, phát động chuỗi chiến dịch Food For Change diễn ra từ tháng 9 – 16.10
Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, chia sẻ: “Lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề của riêng một Quốc gia, mà là một thách thức toàn cầu. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Mỗi năm, hàng triệu tấn thực phẩm bị lãng phí trong khi vẫn còn rất nhiều người cần hỗ trợ. Chính vì vậy, chiến dịch này không chỉ nhằm giảm thiểu lãng phí mà còn tạo ra những hành động cụ thể, góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như lên kế hoạch mua sắm thông minh, bảo quản thực phẩm đúng cách và chia sẻ với những người cần thiết. Mỗi hành động nhỏ đều mang lại ý nghĩa lớn lao. Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của tất cả mọi người. Thông qua chiến dịch này, hy vọng sẽ tạo ra một cộng đồng ý thức cao về việc bảo vệ thực phẩm, bảo vệ môi trường góp phần vào một tương lai bền vững hơn.
Bên cạnh đó, trong ngày hôm nay chúng tôi rất vinh dự và tự hào được giới thiệu Cẩm nang Khuyến nghị Quyên góp Thực phẩm, một tài liệu quan trọng được khảo sát bởi Phòng Luật chính sách ĐH Harvard phối hợp với Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Toàn cầu (GFN) và Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, biên soạn nhằm nâng cao nhận thức và hướng dẫn cộng đồng trong việc quyên góp thực phẩm một cách an toàn, thiết thực và bền vững. Với cẩm nang này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một tác động tích cực và góp phần giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm, đồng thời đảm bảo nguồn thực phẩm hỗ trợ kịp thời và đạt tiêu chuẩn an toàn và dinh dưỡng cao nhất đặc biệt trong các trường hợp ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.
Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam luôn cam kết không ngừng phát triển các sáng kiến mới nhằm hỗ trợ cộng đồng và người dân có hoàn cảnh khó khăn, cẩm nang này là một phần trong sứ mệnh ấy. Chúng tôi mong rằng thông qua cẩm nang, mọi cá nhân và tổ chức sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết để cùng chung tay xây dựng một cộng đồng bền vững, sẻ chia, không ai bị bỏ lại phía sau.”
Bà Lê Nhật Thùy – Chủ tịch Qũy hỗ trợ từ thiện C.P.Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ
Bà Lê Nhật Thùy – Chủ tịch Qũy hỗ trợ từ thiện C.P.Việt Nam chia sẻ: “Nhân dịp Ngày Thế giới Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây để khởi động Chiến dịch “Stop Food Waste” và ra mắt Cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm. Đây là một thời điểm quan trọng và là cột mốc trong hành trình mà C.P Việt Nam cùng các đối tác đã và đang chung tay góp phần giải quyết về sứ mệnh vấn đề thất thoát và lãng phí thực phẩm. Đây cũng là những sứ mệnh quan trọng mà C.P Việt Nam luôn tập trung cốt lõi trong hành trình phát triển bền vững của mình không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Thất thoát và lãng phí thực phẩm là một vấn đề toàn cầu với tác động không chỉ đến môi trường mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người. Mỗi năm, hàng triệu tấn thực phẩm bị bỏ đi trong khi hàng triệu người vẫn đang đối diện với nạn đói và suy dinh dưỡng. Thực phẩm không chỉ đơn giản là nguồn sống mà còn là nguồn hy vọng, tình yêu thương, và sự sẻ chia. Chính vì vậy, chiến dịch “Stop Food Waste” của chúng tôi không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này, mà còn mang đến các giải pháp thiết thực để mỗi người trong chúng ta có thể tham gia vào cuộc chiến chống lại lãng phí thực phẩm.
Cùng với sự ra mắt của Cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm, chúng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc quyên góp thực phẩm và cách thực hiện một cách hiệu quả. Cẩm nang này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia, tổ chức xã hội, và doanh nghiệp nhằm cung cấp những hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Mỗi món ăn không chỉ cứu đói, mà còn mang đến niềm vui và hy vọng cho những người cần nó nhất”.
Một số hình ảnh khác tại sự kiện:
FBVN