Mua quá nhiều và buộc phải vứt bỏ những thực phẩm quá hạn vào thùng rác, là tình trạng rất nhiều bà nội trợ gặp phải. Vậy làm thế nào để tránh lãng phí thực phẩm một cách không cần thiết?
Bảo quản thực phẩm trong hộp kín
Thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm như bánh quy, trái cây, dưa chua có thể tăng lên nếu được bảo quản trong hộp kín. Những hộp đựng này ngăn hơi ẩm và vi khuẩn xâm nhập, thực phẩm sẽ được bảo quản lâu hơn. Do đó, mọi người sẽ không còn bỏ thức ăn hỏng nhiều đi nữa.
Tận dụng phần ngọn và phần vỏ
Nấu ăn chống lãng phí có nghĩa là tiêu thụ tất cả mọi thứ, kể cả phần ngọn và phần vỏ. Nhưng để làm được điều đó, bạn phải tuân theo một số quy tắc. Trước tiên là hãy nấu chín phần ngọn hay phần vỏ (cà rốt, của cải,..), vì khi tách ra khỏi rau, củ thì chúng trở nên rất nhanh hỏng. Chúng có thể được sử dụng để làm súp hay thậm chí là cho thêm vào bánh. Phần vỏ có thể được tái chế thành nước dùng và nếu không có thời gian để nấu ngay lập tức thì hãy cấp đông chúng.
Bảo quản thực phẩm một cách hợp lý
Trên nhãn của mỗi thực phẩm, có đề cập đến cách bảo quản thực phẩm đó tốt nhất. Ví dụ, pho mát nên được bảo quản trong tủ lạnh. Vì vậy để tránh lãng phí thực phẩm bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn.
Đừng ném thức ăn thừa
Hầu hết gia đình nào cũng có thức ăn thừa và đổ vào thùng rác. Thay vì vứt đi, hãy tận dụng thức ăn vào ngày hôm sau, chẳng hạn như dùng thịt gà thừa để nấu súp, hoặc cà chua thừa để làm món salad.
Thử thách làm sạch tủ lạnh
Lời khuyên của các chuyên gia chống lãng phí nhà bếp là hãy dành ra vài tuần chỉ để chế biến tất cả những thứ bạn có trong tủ lạnh/ tủ đông mà không mua thêm bất cứ thứ gì. Thử thách này sẽ cho phép bạn không còn vứt bỏ những gì bạn giữ trong nhiều tháng và cuối cùng lại phải vứt bỏ.
Không vứt bỏ những gì vẫn còn ăn được
Ngay khi trứng hoặc sữa chua quá hạn sử dụng, bạn có vứt chúng đi không? Theo các chuyên gia chống lãng phí, hãy dừng việc này ngay để tránh lãng phí hàng tấn thực phẩm vẫn hoàn toàn có thể ăn được. Lời khuyên trước khi vứt bỏ là hãy ngửi và nếm thức ăn. Nếu sản phẩm có mùi bình thường, bạn có thể ăn nó.
Sắp xếp thực phẩm theo thời gian mua
Đây là một bí quyết chống lãng phí nhà bếp. Hầu như tất cả chúng ta đều có xu hướng đặt món hàng mua mới nhất ở ngay bên ngoài, nhưng với tủ lạnh hãy làm ngược lại. Bạn hãy cất những thứ vừa mua ở phía trong và những sản phẩm cần phải dùng ngay ở phía ngoài. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng rất nhiều người trong số chúng ta lại quên mất.
Không nên vứt bỏ ngay trái cây bị hư
Những quả táo hơi bị ngả màu hay một quả chuối bị thâm,… bạn đừng bỏ chúng ngay vào sọt rác. Nếu không có thời gian nấu nướng phức tạp, bạn hoàn toàn có thể tự làm mứt bằng lò vi sóng trong vài phút. Theo các chuyên gia, với một vài loại trái cây và lượng đường ít hơn một nửa trọng lượng của chúng, bạn có thể tạo ra một lọ mứt nhỏ trong vòng 3 đến 5 phút.
Mua đúng nhu cầu
Sẽ là sai lầm khi trong nhà có 3 người, mà bạn mua đến tận 5 cái bánh mì kẹp vì đang có chương trình khuyến mãi và phải giữ lại 2 cái trong tủ lạnh. Bởi chưa chắn lần sau bạn sẽ dùng tới chúng và nhiều khả năng chúng sẽ bị cho vào sọt rác. Theo các chuyên gia, hãy tỉnh táo trước các chương trình khuyến mãi về số lượng. Nếu số lượng không tương ứng với số người, bạn có nguy cơ vứt bỏ những gì đã được trữ đông.
Tập thói quen trữ đông thực phẩm theo từng bữa
Nếu trữ đông 1,5 lít nước dùng tự làm, thì một điều gần như chắc chắn là bạn sẽ không dùng đến nó. Vì thế, tốt hơn bạn nên chia chỗ nước dùng với lượng phù hợp với mỗi bữa và trữ đông trên ngăn đá. Tương tự như vậy, nếu có các loại thảo mộc thơm còn sót lại, thay vì đông lạnh theo cách thông thường và thường xuyên quên chúng, bạn nên đóng đá dầu thảo mộc thành từng viên. Để thực hiện, bạn hãy rửa sạch rau thơm, cắt nhỏ và cho vào khay làm đá. Sau đó phủ dầu ô liu và để đông.
Theo Tieudung.vn