Theo Tổ chức Nông lương LHQ, mỗi năm, 1/3 lượng lương thực trên thế giới bị lãng phí. Chỉ tính riêng tại Australia 7,6 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí hàng năm.
Khi nói đến chi phí bảo hiểm y tế hay tiền vay nợ ngân hàng, người dân Australia thường phải tính toán hết sức cẩn thận, thế nhưng về thực phẩm thì ngược lại, nhiều người mua thực phẩm quá nhiều, dẫn đến đồ ăn hết hạn không sử dụng được nữa, phải bỏ vào thùng rác. Chính vì vậy, Australia đã phải đặt ra những sáng kiến để thay đổi thói quen này.
Theo bà Melita Jazbec – Viện nghiên cứu bền vững Australia: “Thông thường nếu chúng ta mua 5 túi thực phẩm bất kỳ thì sẽ lãng phí ít nhất 1 túi. 34% thực phẩm lãng phí thuộc khu vực dân cư, nghĩa là cấp hộ gia đình”.
Sự lãng phí đó cũng gây thiệt hại cho nền kinh tế 27,5 tỷ USD mỗi năm chỉ tính riêng ở Australia theo số liệu mới nhất của chính phủ nước này. Để hình dung rõ hơn về tình trạng lãng phí này, nếu tất cả thực phẩm được trải ra trên đất liền, nó sẽ bao phủ 25 triệu ha, lớn hơn cả bang Victoria.
Trong nông nghiệp, 1/4 lượng nước được sử dụng để tạo ra thực phẩm sẽ bị lãng phí. Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường của Chính phủ Australia đã chỉ ra rằng, việc bỏ phí một chiếc bánh mì kẹp thịt tương đương với lãng phí nước được sử dụng để tắm trong 90 phút.
Thậm chí vấn đề còn tồi tệ hơn, lãng phí thực phẩm chiếm tới 8% lượng khí nhà kính toàn cầu do khí phân hủy trong các bãi chôn lấp. Thực phẩm phân hủy là nguồn ô nhiễm lớn thứ ba trên hành tinh.
Ở Sydney, bức tranh tiêu cực đó đang được cân bằng lại bởi các sáng kiến tích cực, đó là chương trình tái chế do chính quyền địa phương khởi xướng, tập trung vào việc làm phân trộn hoặc chuyển những đồ ăn gần hết hạn đến các ngân hàng thực phẩm. Tại Sydney, những chiếc ghế tích hợp thùng ủ phân xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng chứa các thực phẩm thừa từ các quán cà phê và nhà hàng. Những sinh vật nhỏ như giun sẽ ăn rác hữu cơ và biến nó thành phân có thể sử dụng được.
Ông Michael Mobbs – Nhà phát minh thùng ủ rác “Coolseats” cho biết: “Chúng không có mùi, mọi người thích vẻ ngoài của chúng, các quán cà phê thích chúng. Nếu bán thì tôi chỉ bán chúng với giá vài USD”.
Ở bang New South Wales, nhiều chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang được tiến hành để tăng khả năng thu gom và ủ rác thực phẩm hộ gia đình ở quy mô công nghiệp. Với nỗ lực của cả chính quyền và người dân, giới chức Australia hy vọng sẽ cải thiện được tình trạng lãng phí thực phẩm hiện nay.
Theo vtv.vn