Chống lãng phí giữ lối sống tiết kiệm là chủ đề của góc nhìn văn hóa số mới nhất.

Tuy Tết Nguyên đán đã qua nửa tháng nhưng ở nhiều gia đình vẫn còn dư thừa đồ sau Tết, thậm chí là phải vứt bỏ những thực phẩm tươi sống để quá lâu bởi không còn sử dụng được. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng lại đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bỏ phí mỗi năm, gây tổn thất 3,9 tỷ USD tương đương với gần 2%GDP.

Hình ảnh minh họa

Bánh, mứt kẹo, đồ dư thừa sau Tết đầy tủ lạnh. Ở nhiều gia đình, các thực phẩm chuẩn bị cho Tết như gà luộc, bánh chưng phải cắt ra cấp đông cho đỡ hỏng. Dư thừa và lãng phí sau Tết là tình trạng chung của nhiều gia đình. Không có số liệu cụ thể về số đào, quất bị vứt bỏ sau Tết. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải sinh hoạt trong những ngày lễ Tết trên địa bàn tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày.

Với quan điểm Tết phải đủ đầy, nhiều gia đình mua sắm quá đà, tích trữ quá mức dẫn tới lãng phí. Bên cạnh đó, có những người không mua sắm mấy nhưng lại được bạn bè, con cháu biếu tặng dẫn đến dư thừa. Theo TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội chia sẻ, không chỉ cá nhân mà mỗi gia đình cần thay đổi tư duy về việc mua sắm cho ngày Tết.

Không lãng phí là một phần quan trọng của lối sống tiết kiệm, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu sự tiêu hao. Việc giảm lãng phí thực phẩm trở thành một chủ đề được một số nhà trường đưa vào giờ học ngoại khóa. “Tiết kiệm là lối sống, cách nghĩ và đạo đức của con người, trân trọng những thứ người khác làm ra”, TS Nguyễn Viết Chức nói.

Qua Rằm tháng Giêng, cây cảnh chơi Tết cũng sẽ không còn được sử dụng nữa. Với những cây có giá trị, nhà vườn sẽ thu mua lại và chăm sóc. Còn với đa phần cây có giá trị thấp sẽ bị thải bỏ, điều này vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng tới môi trường. Để khắc phục điều này, một ý tưởng mới đã ra đời giúp cây Tết được hồi sinh, nối dài vòng đời nhờ bàn tay chăm sóc của cộng đồng. Đó là câu chuyện đang diễn ra tại con đường số 4 tại Chùa Hương, Hà Nội. Một nhóm tình nguyện đã hồi sinh cây Tết trên con đường này.

Tiết kiệm để vun vén cho tương lai đã trở thành nếp nghĩ, nếp sống thường nhật từ bao đời nay của người dân Việt Nam. Các cụ xưa từng dạy – “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Làm khi lành để dành khi đau”. Cho tới ngày nay, dù cuộc sống đã bớt khó khăn vất vả hơn ở nhiều nơi thế nhưng lối sống tiết kiệm vẫn luôn cần thiết. Tinh thần tiết kiệm không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn là cách để người Việt thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị lao động, nhờ đó giúp đất nước tiết kiệm những nguồn lực không cần thiết để dành cho sự phát triển.

Theo vtv.vn