Lãng phí thức ăn là một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ và vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu cho thói quen xấu này. Trên thực tế tình trạng thức ăn “dằn dĩa” và “để phần” của người Việt và một số nước khác hiện đang rất phổ biến, dường như nó đã trở thành một thói quen… khó bỏ.
Thói quen xấu…
Sử dụng thực phẩm lãng phí đang trở thành một thực tế đáng buồn ở nhiều nơi. Không khó để bắt gặp những hình ảnh về sự lãng phí thực phẩm của người dân.
Tại các quán cơm, không ít người gọi suất cơm nhưng chỉ ăn hết một nửa, thậm chí ăn chút ít rồi bỏ. Anh Nguyễn Tấn Phát (Phường 4, TP Vĩnh Long) bức xúc: “Tui thấy nhiều người thường hay để thừa thức ăn hay nước uống khi đi ăn với bạn, không biết mắc cỡ hay gì nhưng việc đó tui không chấp nhận được. Mình trả tiền đàng hoàng mà ăn uống vậy thấy phí quá”.
Tại các bữa tiệc, đặc biệt là tiệc cưới, hỏi hiện nay (ở nhà hàng cũng như tại gia đình), hầu hết khách khứa chỉ ăn uống qua loa, mâm cỗ vẫn còn nguyên.
Ngay cả khi đi ăn tiệc buffet, một thói quen khó bỏ của khá đông người là lấy thức ăn nhiều hơn lượng cơ thể mình có thể hấp thụ, sau đó bỏ lại.
Bạn Nhật Minh (Hòa Phú, Long Hồ) chia sẻ: “Em đã từng xem một clip người ta đăng trên mạng về tình trạng tranh nhau lấy đồ ăn tại một buổi buffet. Nhìn mà thấy xấu hổ vì biết chắc rằng một người không thể nào ăn hết số thức ăn họ lấy”.
Tất cả những thức ăn thừa này đều được xử lý một cách đơn giản nhất là…bỏ vào thùng rác. Đáng buồn hơn, sự lãng phí này đôi khi xuất phát từ chính ý thức của người dân. Nhiều người cho rằng “ăn hết hay không gì thì mình cũng phải trả tiền, lấy sao cho xứng đáng, ăn không hết thì thôi”.
Nhiều người cũng cảm thấy tiếc khi thức ăn bị bỏ đi, nhưng vì sĩ diện, vì người khác nhìn vào nên cố tình gọi lượng thức ăn dôi thừa để chứng tỏ “mình không keo kiệt”.
Anh Trần Anh Tú (Phường 5, TP Vĩnh Long) thừa nhận: “Rất nhiều lần mời bạn đi ăn vì ngại bạn nói mình keo nên tôi kêu rất nhiều món để bạn mình ăn uống thoải mái. Nhưng cuối cùng chẳng mấy khi ăn hết mà đem về thì mắc cỡ nên thôi…bỏ”.
Hãy ngừng lãng phí
Lãng phí thực phẩm không chỉ gây tốn kém cho các gia đình, khiến nhiều người thiếu hụt thức ăn mà nó còn làm ảnh hưởng đến môi trường.
Chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động tiêu cực về môi trường.
Những bãi tập kết rác tập trung la liệt các loại rác thải từ thực phẩm, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Người dân hiện chưa có hoặc rất ít ý thức phân loại rác nên cứ thừa là quăng, bất kể rác vô cơ hay hữu cơ.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt (Phường 3, TP Vĩnh Long) cho rằng: “Việc lãng phí thức ăn hiện nay rất phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ và những người khá giả. Ăn không hết là họ vứt, thấy mà tiếc. Thay vì vứt bỏ họ có thể gói lại để dành ăn tiếp hoặc cho vào thùng phân loại riêng làm thức ăn cho gia súc cũng đỡ phí”.
Để hạn chế lãng phí thức ăn nhiều người đưa ra nhiều giải pháp như phạt tiền những khách hàng gọi thức ăn nhưng không ăn hết hay quán ăn chủ động gói thức ăn cho khách mang về khi thấy thức ăn còn thừa,…
Chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh (Phường 3, TP Vĩnh Long) đề xuất: “Tôi được biết nhiều nước trên thế giới có nhiều biện pháp hay để giảm bớt tình trạng lãng phí như tại Hồng Kông, khách hàng gọi món nhưng không dùng hết sẽ bị phạt 1,5 đô la Hồng Kông.
Tương tự, một số nơi ở Mỹ nếu khách hàng bỏ phí thức ăn sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn. Ở Việt Nam chắc khó áp dụng cách này nhưng các quán ăn cũng nên dán khẩu hiệu gì đó để khách hàng có ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí”.
Tiết kiệm hay lãng phí suy cho cùng đều xuất phát từ ý thức của con người vì vậy thiết nghĩ người dân cần nâng cao ý thức trong việc chống lãng phí thức phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Báo Vĩnh Long