Wasteless, một công ty của Israel, đã giành được khoản tài trợ 2 triệu USD để tiếp tục phát triển giải pháp làm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm và tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia ”cuộc chiến” chống lãng phí thực phẩm, ngày 9/10, Wasteless, một công ty của Israel, đã giành được khoản tài trợ 2 triệu USD để tiếp tục phát triển giải pháp làm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm và tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng.
Công ty Wasteless đã bán phần mềm cho các siêu thị để giúp các siêu thị quản lý hàng trong kho và giảm giá thành những mặt hàng thực phẩm sắp hết hạn sử dụng, góp phần làm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm và tăng lợi nhuận.
Trong một tuyên bố, ông Ben Biron, một trong những nhà sáng lập Công ty Wasteless nói: ”Chúng tôi truyền cảm hứng cho các khách hàng trở thành các công dân toàn cầu tốt hơn và tham gia cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm, đồng thời được hưởng giá ưu đãi hơn.”
Công ty Wasteless cho biết sẽ dùng khoản đầu tư trên để tập trung áp dụng các phần mềm chống lãng phí thực phẩm cho các nhà bán lẻ thực phẩm ở Tây Âu. Đầu năm nay, Wasteless đã áp dụng thử một thuật toán tại một nhà bán lẻ thực phẩm ở Tây Ban Nha, cho phép người tiêu dùng chọn mua giữa thực phẩm tươi mới hơn và thực phẩm ít tươi hơn với các mức giá khác nhau. Việc này đã giúp giảm 1/3 lượng thực phẩm bị lãng phí và tăng 6% doanh thu.
Vứt bỏ thực phẩm ngày càng được coi là hành động phi đạo đức, phá hủy môi trường bởi thực phẩm khi bị thối rữa tại các bãi chôn lấp thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong khi hoạt động trồng trọt, lưu kho và vận chuyển thực phẩm lại tốn nhiều nhiên liệu, nước và năng lượng.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt mục tiêu mang đến sự thay đổi cho xã hội và môi trường đồng thời tạo ra lợi nhuận, đang rót tiền vào những công việc kinh doanh vừa giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu vừa chống lãng phí.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), 1/3 lượng thực phẩm trên thế giới, trị giá 1.000 tỷ USD bị vứt vào thùng rác mỗi năm, trong khi các nhà nghiên cứu lo ngại rằng lượng thực phẩm bị lãng phí này có thể tăng thêm 1/3 nữa vào năm 2030, lên tới 2.100 tỷ USD.
Trong bối cảnh trên, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết giảm một nửa lượng lương thực bị lãng phí vào năm 2030 trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc khởi xướng năm 2015.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng sự thay đổi phương thức kinh doanh và thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm./.
Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)