Mỗi năm, các chuỗi siêu thị và cửa hàng tại Los Angeles, miền Tây nước Mỹ, lại bỏ cả “núi” thực phẩm thừa khỏi các kệ hàng, không phải vì vấn đề chất lượng mà chủ yếu vì hàng mới đã về nên cần thanh lý hàng cũ.
Dù là đồ “bỏ đi” nhưng giá trị sử dụng không hề bị ảnh hưởng nên đây lại là nguồn thực phẩm quý giá mà tổ chức phi chính phủ Food Forward thu gom để phân phát cho những gia đình nghèo khó trong khu vực.
Mỗi tuần, Food Forward lại thu gom được khoảng hơn 160.000kg thực phẩm thừa từ những cây ăn trái trong vườn của các nông dân, các chợ nông sản hay chuỗi siêu thị bán sỉ Los Angeles. Sau đó, tổ chức này sẽ đưa số thực phẩm này tới hàng trăm cơ sở phân phát đến tay người cần trong khu vực Nam California.
Thực phẩm bị lãng phí là nguồn sống của rất nhiều người nghèo
Vừa qua, Food Forward đã phối hợp với một trung tâm cộng đồng phân phát hơn 6.800kg trái cây và rau củ thanh lý từ các nhà bán lẻ tới tay những người nghèo tại Los Angeles. Chương trình phân phát này được thực hiện 2 lần/tháng tại một nhà kho ở Watts, một khu dân cư thuộc diện nghèo nhất của Los Angeles. Cư dân ở đây chủ yếu là người gốc Phi hoặc gốc Latinh. Những thực phẩm này được sắp xếp ngăn nắp trong khu nhà kho, không khác mấy so với khung cảnh tại các khu chợ. Ước tính, khoảng 500 người sẽ tới nhận những thực phẩm này và mỗi người có thể lấy tùy thích theo nhu cầu. Theo một tình nguyện viên làm việc cho tổ chức, nhìn cách người dân tới và cố gắng nhanh tay lấy được càng nhiều thực phẩm càng tốt mới thấy nguồn thực phẩm có nguy cơ bị lãng phí này đã được tận dụng một cách hiệu quả và thiết thực như thế nào.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên quốc gia Mỹ, mỗi năm, 1 người dân Mỹ trung bình bỏ hơn 180kg thực phẩm vẫn còn sử dụng được. Với số dân khoảng 327 triệu người thì tổng số thực phẩm bị lãng phí sẽ lên con số đáng kinh ngạc. Thông qua các chương trình của Food Forward, những thực phẩm này trở thành nguồn hỗ trợ phong phú cho người nghèo.
Trên thực tế, tình trạng lãng phí thực phẩm xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Mỹ. Tổ chức Lương-Nông Liên hiệp quốc từng cảnh báo rằng 1/3 số lương thực thực phẩm đang bị lãng phí là một trong số nguyên nhân chính đẩy thế giới đến nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm dù trên thực tế mức sản xuất là đủ để đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số. Trước thực trạng đáng báo động đó, một số công ty thực phẩm hàng đầu trên thế giới đã đưa ra một giải pháp là thay đổi cách thức in hạn sử dụng trên bao bì các sản phẩm để tránh gây nhầm lẫn dẫn đến tình trạng lãng phí thực phẩm. Cụ thể, sẽ chỉ có 2 loại nhãn mác được sử dụng gồm Best if used by (Tốt nhất nên sử dụng trước ngày….) dành cho những sản phẩm có hạn dùng dài và Use by (Sử dụng trước ngày…) dành cho những sản phẩm có hạn sử dụng ngắn.
Việc in hạn sử dụng đơn giản và nhất quán được cho là sẽ giúp giảm 50% lượng thực phẩm bị lãng phí trong giai đoạn trước năm 2025 và đây cũng là một trong những biện pháp ít tốn kém nhất để góp phần vào nỗ lực đẩy lùi tình trạng lãng phí thực phẩm. Chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm có tới 29 tỷ USD thực phẩm bị bỏ phí chỉ vì những hiểu nhầm về hạn sử dụng in trên bao bì.
Theo SGGP