Nhiều người hẳn còn nhớ như in câu nói của ông bà, cha mẹ với chúng ta khi chẳng may sơ ý để hạt cơm rơi vãi trong bữa ăn: “Ăn vãi phải tội”. Tội ở đây là tội phụ công những người bao khó nhọc vất cả một nắng hai sương để làm ra hạt gạo. Tội với những người nghèo khó bữa đói bữa no. Ăn vãi còn có tội với… môi trường.
Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”. Đó là thông điệp mà Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon muốn gửi tới các chính phủ và người dân toàn thế giới nhân Ngày Môi trường thế giới năm nay (5-6). Thực phẩm, ăn uống là nhu cầu không thể thiếu của con người hằng ngày song không phải ai cũng biết rõ mối liên hệ giữa nhu cầu sống còn này với môi trường.Theo một nghiên cứu của Oxfam, để sản xuất được 1 kg gạo cần tới khoảng 1.400 lít nước và mỗi 1 ha lúa lại cần tới lượng nước tương đương nước sinh hoạt cho 1.000 người. Đó là chưa kể tới việc tiêu tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.Tương tự như vậy, để có 1 kg thịt lợn hay thịt bò… cũng cần tiêu tốn rất nhiều nước, thức ăn. Vậy mà, theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), khoảng từ 30-40% thực phẩm trên toàn cầu bị mất mát và lãng phí hằng năm. Sự lãng phí ghê gớm đó còn diễn ra khi mà hiện đang có gần 900 triệu người thiếu đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày.
Thế mới thấy, việc mất mát, lãng phí thực phẩm đã có “tội” ra sao với môi trường và đặc biệt là với chính đồng loại của mình.
Tất nhiên, chuyện mất mát và lãng phí thực phẩm chủ yếu diễn ra trong quá trình thu hoạch, bảo quản và vận chuyển. Song thói lãng phí của con người cũng chiếm một tỉ lệ không nhỏ.
Rất nhiều người, nhiều gia đình cho rằng điều kiện kinh tế hiện nay đã khấm khá hơn xưa nên có thể xem nhẹ, không bận tâm tới việc để rơi vãi một vài hạt cơm, mẩu thức ăn. Nhưng lối suy nghĩ giản đơn này đang dần hình thành một thói quen, tập quán xấu trong việc ăn uống hằng ngày.
Nhiều người Việt Nam đã phải đỏ mặt vì xấu hổ khi vào một số nhà hàng ăn tự chọn (buffet) ở các nước láng giềng Thái Lan và Singapore thấy tấm bảng viết duy nhất bằng tiếng Việt như “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht!” hay “Lấy vừa đủ ăn”… Tấm biển có những dòng chữ này mọc lên sau khi nhiều du khách Việt Nam vào nhà hàng cứ lấy thức ăn vô tội vạ rồi bỏ mứa.
Trong số những người biết đỏ mặt xấu hổ này chắc hẳn không ít người nhớ lời răn dạy của ông bà, cha mẹ bên mâm cơm năm xưa. Nhớ lời răn dạy ấy, mỗi người hãy có ý thức tiết kiệm thực phẩm để không phải tội với người nông dân cực nhọc, với hàng triệu đồng bào còn nghèo đói và phải tội với môi trường.
Theo Báo Lao Động