Trưa thứ 7, cái nắng như “đổ lửa” của miền Trung bỗng dịu đi trong một quán cơm nhỏ. Ở đó, những cảnh đời khó khăn được phục vụ cơm miễn phí trong sự niềm nở của những người còn rất trẻ.
Bà Nguyễn Thị Lành (huyện Sơn Tịnh) năm nay 64 tuổi. Ở cái tuổi xế chiều, bà vẫn cần mẫn bán vé số kiếm thêm thu nhập.
“Người bán thì nhiều mà người mua thì ít. Có ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn nên phải tiết kiệm. Như trưa nay thì đến quán cơm miễn phí của mấy đứa nhỏ để ăn. Cũng đỡ được vài chục”, bà Lành nói.
Quán cơm bà Lành nhắc đến nằm bên hông khách sạn Mỹ Trà (phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi). Quán do những bạn trẻ có tinh thần thiện nguyện chung tay tổ chức.
Anh Đỗ Đình Đựng – đầu bếp chính của quán chia sẻ, quán cơm đã hoạt động được gần 4 tháng. Mỗi thành viên của quán có công việc và cuộc sống riêng, nhưng họ có điểm chung là tấm lòng dành cho những cảnh đời khó khăn. Vậy nên, cả nhóm quyết định chọn ngày thứ 7 để nấu cơm phục vụ người nghèo.
Thời gian đầu, để có được 250 – 300 suất cơm mỗi tuần, cả nhóm phải tự đóng góp. Về sau, nhóm nhận được sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè và nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm.
Từ đó, nhóm bắt đầu công khai hoạt động và tổ chức tiếp nhận hỗ trợ cho quán cơm thiện nguyện. Đặc biệt, phương châm của nhóm là kêu gọi mọi người ủng hộ bằng hiện vật.
“Thứ 5 hàng tuần là nhóm bắt đầu kêu gọi sự hỗ trợ thông qua mạng xã hội. Thấy hoạt động có ý nghĩa nên có nhiều người chung tay.
Sau 2 ngày chúng tôi sẽ cập nhật tất cả sự hỗ trợ, rồi lên thực đơn để sáng thứ 7 bắt đầu nấu. Tuần nào vận động ít cũng được 250 suất, có tuần được trên 300 suất cơm”, anh Đựng cho biết.
Gần trưa, quán cơm thiện nguyện bắt đầu đông khách. Đa phần thực khách là những người già, phụ nữ bán hàng rong, vé số ở trung tâm TP. Quảng Ngãi. Đến quán, mỗi người chỉ cần chọn cho mình một chỗ ngồi. Ngay lập tức, một khay cơm với ít nhất 3 món sẽ được bê đến tận bàn.
Với thời giá hiện nay, một suất cơm với canh, rau xào, cá, thịt kho có giá khoảng 20.000 đồng. Riêng ở quán cơm thiện nguyện, giá trị của những suất cơm được đo bằng tình cảm giữa người với người.
“Mỗi tuần có từ 250 – 300 suất cơm phục vụ bà con. Có những hoàn cảnh quá khó khăn sẽ được nhóm ưu tiên thêm 1 phần cơm mang về cho buổi tối. Chúng tôi luôn cố gắng để cơm thật ngon.
Lợi nhuận chúng tôi thu được chính là niềm vui của mọi người”, anh Nguyễn Duy Kha – trưởng nhóm thiện nguyện chia sẻ.
Điều mà anh Kha cũng như tất cả các thành viên trong nhóm mong muốn đó là, ngày càng có nhiều người cùng chung tay san sẻ yêu thương với những cảnh đời khó khăn.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì quán cơm, nhằm góp một phần giảm bớt gánh nặng mưu sinh cho những người lao động nghèo”, anh Kha nói.
Sau một tuần mưu sinh, những người trẻ ở Quảng Ngãi có nhiều cách để thư giãn vào dịp cuối tuần. Riêng nhóm cơm thiện nguyện lại chọn cách “kinh doanh” để thu về lợi nhuận là niềm vui của mọi người.
Theo Báo Dân Trí