Sáng ngày 22/8 tại TP HCM, Starbuck Vietnam và Food Bank Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm triển khai chương trình hỗ trợ thực phẩm. Thông qua thỏa thuận này, hai bên đã công bố kế hoạch thực hiện chương trình thí điểm nhằm nâng cao nhận thức về việc giảm lãng phí thực phẩm và cung cấp thực phẩm chất lượng đến các cộng đồng có nhu cầu trong xã hôi.
Hợp tác trong việc giảm lãng phí thực phẩm
Starbucks Vietnam hợp tác cùng Food Bank Việt Nam triển khai chương trình thí điểm tập trung vào việc giảm lãng phí thực phẩm tại một số cửa hàng ở khu vực TP.HCM. Chương trình này bước đầu tạo tạo tiền để thúc đẩy các hoạt động chống lãng phí thực phẩm trong cộng đồng cũng như cung cấp thực phẩm đến những cộng đồng đang còn gặp khó khăn về mặt thiếu nguồn lương thực. Đồng thời, chương trình cũng đánh giá cao tính cần thiết của các giải pháp tái sử dụng thực phẩm dư thừa.
Thông qua mối quan hệ hợp tác này, hai bên cùng nhau cam kết tạo ra những hành động tích cực nhằm hỗ trợ đặc biệt đến cộng đồng đang gặp khó khăn tại Việt Nam.
“Chúng tôi rất vui khi được khởi động dự án này cùng với Food Bank Việt Nam. Starbucks luôn trân trọng những gì cộng đồng đã và đang hỗ trợ cho chúng tôi, do đó việc mang lại những điều tốt nhất dành cho cộng đồng là sứ mệnh mà chúng tôi luôn theo đuổi để có thể tạo ra một cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn”, bà Patricia Marques, Tổng Giám đốc Starbucks Vietnam cho biết . “Sau một thập kỷ có mặt tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã và luôn cam kết, nâng cao việc thực hiện các hoạt động kinh doanh bền vững, giảm tác động đến môi trường. Đối với việc hợp tác lần này, đây là bước đầu tiên trong chương trình hỗ trợ các cộng đồng gặp khó khăn về lương thực của Starbucks và chúng tôi mong muốn sẽ sớm mở rộng hơn hoạt động ý nghĩa này”
Sự hợp tác giữa Food Bank Việt Nam và Starbucks Vietnam đánh dấu một bước quan trọng trong việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cả hai tổ chức sẽ nỗ lực hợp tác liên tục và đưa ra các sáng kiến mới nhằm cải thiện môi trường cũng như hỗ trợ các cộng đồng thiếu lương thực ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Hoàng Trúc Linh, Giám đốc Điều hành Food Bank Việt Nam cho biết: “Food Bank Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò nâng cao nhận thức, chống lãng phí thực phẩm với chuỗi các hoạt động xanh – phân phối và sẻ chia các nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm từ Starbucks tới các tổ chức, các mái ấm, nhà mở, trung tâm hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn và những cá nhân có nhu cầu trong cộng đồng,… Đồng thời, Starbucks sẽ phối hợp chặt chẽ với Food Bank Việt Nam để đưa ra hệ thống giải pháp nhằm giảm thiểu lãng phí trong quy trình sản xuất và phục vụ thức uống, áp dụng các phương pháp hữu cơ để tái sử dụng, tận dụng tối ưu nguồn phế phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh mối quan hệ hợp tác với Food Bank Việt Nam, Starbucks Vietnam cùng với các đối tác phi lợi nhuận cũng đã tạo ra các hoạt động tích cực đến cộng đồng địa phương – nơi Starbucks đang phục vụ. Trong suốt thời gian qua, các cộng sự của Starbucks đã cùng tổ chức Planet Water Foundation hỗ trợ xây dựng 9 tháp nước sạch AquaTowers nhằm cung cấp nước sạch đến những khu vực nông thôn còn thiếu khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn. “Chiến dịch tái sử dụng” tại các cửa hàng cũng được thực hiện xuyên suốt nhằm khuyến khích khách hàng chuyển thói quen trải nghiệm các vật dụng bằng nhựa dùng 1 lần sang đồ tái sử dụng để giảm thiểu rác thải nhựa. Điển hình là chương trình khuyến khích khách hàng sử dụng “Cốc cá nhân” để thưởng thức đồ uống yêu thích mỗi ngày.
Các thông tin về việc lãng phí thực phẩm ở Việt Nam
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) báo cáo rằng 1/3 lương thực trên thế giới bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, gây thiệt hại gần 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Một cuộc khảo sát được thực hiện trên 4.000 hộ gia đình ở tám quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cho thấy Việt Nam đứng thứ hai về chỉ số lãng phí thực phẩm.
Khi tình trạng lãng phí thực phẩm ngày càng leo thang ở mỗi quốc gia thì mức độ ô nhiễm môi trường cũng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến đời sống và sự phát triển kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để giải quyết những thách thức do đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế hiện nay, đặc biệt là hệ thống trồng trọt, nông nghiệp và cung ứng lương thực trên toàn thế giới, các quốc gia như Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Cùng với đó, số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ lương thực tăng nhanh, nhất là ở vùng núi, hải đảo, biên giới thường xuyên xảy ra thiên tai bão, lũ, hạn hán.
Theo Nhịp Sống Tre