Dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu, đứt gãy chuỗi cung ứng hay chiến sự leo thang khiến an ninh lương thực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng bằng kinh nghiệm và mục tiêu đã định, nhiều quốc gia vẫn duy trì tốt hệ thống sản xuất – cung ứng lương thực mang tính đổi mới, bền vững.
Duy trì hệ thống lương thực bền vững có lợi cho cả con người lẫn thiên nhiên (Nguồn: Soilassociation) |
Cảnh báo về mất an ninh lương thực
Cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, nên hậu quả chưa thể lường trước, nhất là mối đe dọa đối với an ninh lương thực toàn cầu. Đó là cảnh báo vừa được Liên minh toàn cầu về tương lai lương thực (GAFF) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) công bố trung tuần tháng 4/2022. Theo GAFF, Nga và Ukraine là nơi cung cấp nhiều ngũ cốc cho các nước Trung Đông và Bắc Phi. Năm 2021, Ai Cập, được cho là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, nhập tới 80% lượng lúa mì từ các quốc gia này, hay một nửa lượng ngũ cốc của Ai Cập được sử dụng cho người nghèo đến từ Ukraine.
Theo GAFF, tình trạng mất an ninh lương thực và phụ thuộc vào nhập khẩu là “mô hình” của hệ thống lương thực thiếu bền vững và cũng là thủ phạm làm gia tăng nhiều bất ổn khác. Theo báo cáo nghiên cứu, các hệ thống lương thực chiếm khoảng một phần ba lượng phát thải khí nhà kính (GHG), nhưng không có trong hầu hết các mục tiêu khí hậu quốc gia, hay còn gọi là Đóng góp do Quốc gia xác định (Nationally Determined Contributions- NDC).
Haseeb Bakhtary, chuyên gia tư vấn cao cấp ở Tổ chức nghiên cứu khí hậu Climate Focus, đồng thời là tác giả chính của báo cáo cho hay, các hệ thống lương thực là những nơi dễ bị tổn thương và khủng hoảng ở cả quy mô quốc gia lẫn thế giới. Báo cáo của GAFF nêu bật cách hệ thống lương thực dựa trên nền nông nghiệp độc canh thâm dụng carbon góp phần vào biến đổi khí hậu ở nhiều cấp độ. Từ nạn phá rừng, cướp đi tính đa dạng sinh học cho đến làm tăng lượng lương thực nhập khẩu. “Cùng với khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh, chính biến xảy ra khiến an ninh lương thực bị đe dọa, nhiều gia đình trên trên thế giới bị đứt bữa. Giải pháp tình thế hiện nay là nên ứng dụng hệ thống thực phẩm tái sinh, bản địa hóa, có khả năng chống chịu với khí hậu và cho năng suất cao, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tương tự, giảm lãng phí thực phẩm và thúc đẩy chế độ ăn lành mạnh, ít carbon cũng là chìa khóa quan trọng giúp đảm bảo tốt mục tiêu an ninh lương thực”, báo cáo của GAFF nhấn mạnh.
Theo tính toán của GAFF, nếu nông nghiệp chuyển đổi sang cái gọi là “hệ thống thực phẩm sinh thái nông nghiệp, tích cực hơn với thiên nhiên” có thể giảm hơn 20% lượng cắt giảm phát thải để giúp nhân loại sớm đạt được mục tiêu trung hoa carbon vào năm 2050. Để hướng tới mục tiêu này, nghiên cứu của GAFF chỉ ra cách các quốc gia có thể kết hợp chuyển đổi hệ thống lương thực vào tham vọng khí hậu NDC sửa đổi, dự kiến sẽ được công bố tại COP27 tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11 tới đây.
Hệ thống thực phẩm sinh thái nông nghiệp thiên về thiên nhiên có thể giảm hơn 20% lượng khí thải (Nguồn: UNDP) |
Kinh nghiệm duy trì hệ thống lương thực bền vững
Mặc dù hội nghị COP27 chưa nhóm họp, nhưng GAFF đã cập nhật danh mục một số quốc gia tiêu biểu đã và đang đạt được thành tự trong việc duy trì hệ thống lương thực bền vững hay cách kết hợp chuyển đổi hệ thống lương thực vào tham vọng khí hậu NDC.
1. Nuôi cá lúa của người Bangladesh
Nuôi cá lúa tận dụng các chu kỳ mùa vụ của vùng lũ để hỗ trợ trồng lúa trong mùa khô và nuôi các loại cá giàu dinh dưỡng để tiêu thụ tại chỗ trong đợt gió mùa gần năm tháng. Một hệ thống sản xuất lúa-cá bền vững dựa vào cộng đồng hiện đang được WorldFish, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế tập trung vào an ninh lương thực thực hiện tại Bangladesh. Phân bón nhân tạo làm thoái hóa đất và giảm năng suất do sử dụng phân cá làm phân bón tự nhiên. Trong khi đó, nước được giữ lại trong vùng ngập lũ để ngăn chặn sự phân hủy các chất hữu cơ giải phóng khí nhà kính như mêtan và carbon dioxide.
Việc bồi đắp chất hữu cơ và độ ẩm của đất cũng cải thiện sự đa dạng của các loài cá bản địa – được hỗ trợ bởi hàng rào bao quanh có lỗ cho phép cá bản địa nhỏ di chuyển tự do khắp vùng ngập lũ. Điều này sẽ cải thiện cả dinh dưỡng và giảm bớt sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu, phát thải cao.
Gạo là mặt hàng chủ lực ở Bangladesh, nhưng nhập khẩu đang tăng (Nguồn:DW) |
2. Biến đổi cảnh quan sa mạc khô cằn thành nơi canh tác của người Ai Cập
Với diện tích đất đai của Ai Cập gần như hoàn toàn (96%) là sa mạc, quốc gia này phải đối mặt với sự khan hiếm vốn đất canh tác và nước ngọt, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do khí hậu khắc nghiệt gây ra. Dự báo, 12 đến 15% diện tích đất canh tác tốt nhất của Ai Cập cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn nên phải lệ thuộc liên tục vào nhập khẩu và đặc biệt là ngũ cốc.
Theo báo cáo của GAFF, sáng kiến phát triển bền vững SEKEM hoạt động trên sa mạc Ai Cập từ những năm 1970 đã biến đổi cảnh quan sa mạc khô cằn thông qua canh tác phù hợp với khí hậu và thích ứng với khí hậu, đặc biệt là sử dụng năng lượng tái tạo trồng cây. SEKEM tuyên bố, các trang trại của họ sẽ chạy bằng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2022 – và cải thiện độ phì nhiêu của đất bằng cách trồng các loại đậu giúp cố định nitơ trong đất để không phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Làm phân trộn và trồng cây đồng hành cũng là một phần của chương trình canh tác hữu cơ nhằm hỗ trợ tự cung tự cấp lương thực vào thời điểm mà Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc dự báo năng suất lúa mì và ngô của Ai Cập có thể sẽ giảm lần lượt là 15% và 19% vào năm 2050. Tiếp theo, mô hình mới cho sản xuất lương thực của SEKEM là dự án thử nghiệm Wahat Greening the Desert, hiện đang được thực hiện để biến hơn 10 km2 (4 dặm vuông) sa mạc Ai Cập thành đất nông nghiệp màu mỡ. Nơi đây sẽ là những cánh đồng thảo mộc hoa cúc vàng được tưới bằng hệ thống tưới tiêu xoay tròn quanh trục.
Ốc đảo Bahariyya của Ai Cập là địa điểm của một trong những sáng kiến canh tác trên sa mạc của SEKEM (Nguồn:DW) |
3. Kết hợp sinh thái nông nghiệp và sản xuất lương thực bền vững vào trong NDC của Senegal
Quốc gia Tây Phi này là một trong số ít quốc gia tập trung vào sinh thái nông nghiệp và sản xuất lương thực bền vững trong các mục tiêu khí hậu, hay NDC, vì hơn 40% lượng khí thải quốc gia đến từ nông nghiệp. Từ các biện pháp phục hồi đất bạc màu, đến đổi mới hệ sinh thái và chuỗi cung ứng lương thực hiệu quả, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp của Senegal không chỉ giúp đáp ứng các mục tiêu khí hậu mà còn giải quyết một hệ thống lương thực, theo cách nói của Haseeb Bakhtary, là “mong manh và dễ bị tác động bởi khí hậu”.
Nằm ở Tây Sahel, nơi đang nóng lên với tốc độ gấp 1,5 lần mức trung bình toàn cầu, Senegal cũng rất dễ bị mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Năm 2020, 17% dân số được coi là “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” và 7,5% bị suy dinh dưỡng.
Mặc dù Senegal là nước xuất khẩu ròng cá trong những năm gần đây, nhưng nước này nhập khẩu khoảng 70% lượng lương thực chính, bao gồm: gạo, lúa mì, ngô, hành tây, dầu cọ, đường và khoai tây. Báo cáo cho biết điều này khiến các hộ gia đình dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường toàn cầu. Theo GAFF, cách thực hiện NDC của Senegal cũng rất phong phú. Ngoài kết hợp sinh thái nông nghiệp và sản xuất lương thực bền vững, Senegal còn khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực phẩm bền vững của địa phương theo phương châm “mùa nào thức nấy”.
Senegal là quốc gia ứng dụng hiệu quả sinh thái nông nghiệp và sản xuất lương thực bền vững vào NDC (Nguồn:FAO) |
4. Cách hạn chế thất thoát và lãng phí thực phẩm của người Mỹ
Theo GAFF, tình trạng lãng phí lương thực ở Mỹ nghiêm trọng hơn cả an ninh lương thực, có tới 30%-50% tổng số lương thực bị bỏ đi. Nếu lượng lãng phí và thất thoát thực phẩm của Mỹ giảm đi một nửa vào năm 2030, thì lượng khí thải sẽ giảm tương đương với khí thải của 16 triệu xe ô tô chở khách. Rác thải thực phẩm của Mỹ làm tăng thêm những tác động nặng nề đối với khí hậu của lĩnh vực sản xuất lương thực – nông nghiệp là nguyên nhân gây ra gần 10% lượng phát thải khí nhà kính chung của Mỹ.
Mỹ đang tìm cách hạn chế thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm (Nguồn: Iwa/NYT). |
Để khắc phục, Mỹ đã áp dụng các biện pháp nhằm vào các trang trại độc canh chiếm ưu thế có đa dạng sinh học thấp và phụ thuộc vào phân bón nhân tạo và thuốc trừ sâu. Ngoài ra, Mỹ còn tăng cường tuyên truyền để người dân tiết kiệm, chuyển sang chế độ ăn chay lành mạnh. Chỉ riêng việc theo uống theo chế độ tiết thực lành mạnh có thể giảm 32% lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm. ReFED là một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia hiện đang nỗ lực để giải quyết tình trạng này. ReFED đưa ra các chương trình nhằm chấm dứt tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm trên khắp các hệ thống thực phẩm trên toàn quốc. Một trong số những giải pháp này là định hình lại hành vi của người tiêu dùng, tối ưu hóa thu hoạch và tăng cường phân phối thực phẩm. ReFED tin rằng, lãng phí thực phẩm là một vấn đề mang tính hệ thống đòi hỏi sự giải quyết đồng bộ trong toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm, từ khâu sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng và cách tuần hoàn, sử dụng những nguồn thải để thu lại lợi ích cao nhất.
Theo DW- 4/2022.