Hơn 130 quốc gia trên thế giới đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia. Động thái này đưa ra tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE)
Theo ước tính, hệ thống thực phẩm chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí nhà kính do con người tạo ra nhưng ngày càng bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học. Tổng cộng 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nước cũng nhất trí đẩy mạnh hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu thông qua tăng cường nguồn lực tài trợ, phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và các hệ thống cảnh báo sớm.
Theo tuyên bố chung, 134 quốc gia ký kết văn kiện là nơi sinh sống của 5,7 tỷ người, tạo ra lượng khí thải nhà kính chiếm tới 75% tổng lượng khí thải từ hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu, hoặc 25% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Trong số các quốc gia ký vào tuyên bố chung có Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Liên minh Châu Âu (EU), những nhà phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lớn nhất từ thực phẩm.
134 quốc gia, nơi sinh sống của 5,7 tỷ người và chiếm hơn 3/4 tổng lượng khí thải nhà kính từ hệ thống lương thực toàn cầu hoặc 25% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới cam kết sản xuất lương thực bền vững.
Ông Edward Davey – người đứng đầu nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên thế giới Vương quốc Anh nói: “Tuyên bố gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các quốc gia trên thế giới rằng chúng ta chỉ có thể duy trì mục tiêu 1,5 độ C nếu chúng ta hành động nhanh chóng để chuyển hệ thống lương thực toàn cầu theo hướng bền vững và khả năng phục hồi cao hơn”.
Bà Esther Penunian – người đứng đầu Hiệp hội Nông dân châu Á đại diện cho 13 triệu nông dân gọi đây là một “cột mốc quan trọng” nhưng kêu gọi các chính phủ biến lời hứa thành chính sách thực sự.
Bà Esther Penunian cho biết cần có thêm nguồn tài chính về khí hậu để giúp đỡ nông dân sản xuất nhỏ lẻ nhưng sản xuất 1/3 lượng lương thực trên thế giới và đang phải chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt.
Trước đó vào ngày 30/11 – ngày đầu tiên của COP-28, hội nghị gây bất ngờ lớn khi thông qua việc thành lập “Quỹ tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu để bồi thường cho các nước dễ tổn thương như đang phải đối phó với hiện tượng mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt, bão…
Hiện UAE cam kết tài trợ 100 triệu USD cho quỹ. Đức cũng cam kết tài trợ 100 triệu USD, Anh hơn 75 triệu USD trong khi Mỹ và Nhật Bản lần lượt cam kết tài trợ gần 20 triệu USD và 10 triệu USD. Trước mắt, quỹ này do Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý và cho biết quỹ sẽ hoạt động ít nhất sau 3 tháng nữa.
Tổng hợp.