2.000 đồng chẳng đủ để mua một ổ bánh mì hay một ly nước, thế nhưng tại một quán cơm chay ở thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), chỉ với số tiền nhỏ đó, những lao động có thu nhập thấp hoặc những người nghèo vẫn có được một suất cơm no đủ.
Ai khó có thể đến mua
Gần 12h trưa, bà Lưu Thị Tuất (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) làm nghề bán vé số lại đến quán cơm chay Long Hoa (nằm trên đường 3.2, thị trấn Ngô Mây) ăn trưa.
Cứ 6h sáng mỗi ngày, bà Tuất cùng chiếc xe đạp cũ lại đồng hành với nhau khắp các tuyến đường trên địa bàn huyện Phù Cát đến tối muộn mới về tới nhà. Làm nghề bán vé số hơn 1 năm nay, nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn.
“Trưa tôi không về nhà, trong lúc bán gặp quán cơm nào thì vô ăn quán đó, nhưng một dĩa cơm ít nhất cũng 10 ngàn. Từ ngày được mọi người giới thiệu quán cơm chay Long Hoa, hầu như trưa nào, tôi cũng ghé ăn vì cơm đủ chất dinh dưỡng, giá lại rẻ” – bà Tuất hồ hởi kể.
Không chỉ riêng bà Tuất, gần một năm nay, quán cơm chay Long Hoa là địa chỉ quen thuộc của bà con lao động nghèo, khó khăn cũng như người dân và các em học sinh sống trên địa bàn huyện Phù Cát và các vùng lân cận.
Cứ mỗi tuần, vào buổi trưa các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, quán đều bán cơm đồng giá chỉ 2.000 đồng, ai cũng khó có thể đến mua.
Quán cơm chay đặc biệt này có diện tích khá nhỏ nhưng sạch sẽ, đầy đủ các trang bị, vật dụng. Mọi dụng cụ trong quán đều được các nhân viên và tình nguyện viên lau rửa sạch, xếp ngăn nắp và có bảng chú thích đầy đủ để người dân có thể tự phục vụ.
Những người tình nguyện tham gia phục vụ các suất cơm luôn đeo khẩu trang, găng tay để đảm bảo vệ sinh cho mọi người. Trung bình mỗi ngày, quán phục vụ hơn 300 suất cơm, thực đơn các món ăn cũng được thay đổi theo từng ngày.
Bà Nguyễn Thị Hiến (55 tuổi) – bếp chính của quán cơm chay Long Hoa cho hay, mỗi ngày, các nhân viên quán đều phải dậy từ 6h sáng để chuẩn bị nguyên liệu.
Quán cơm gồm có các món chính là đậu kho, mắm cà, chả bắp; ngoài ra quán còn các món bún xào, cải xào, măng xào, xà lách ăn với nấm được thay đổi liên tục để người ăn không bị ngán.
“Quán mở cửa từ 10h trưa đến 13h chiều là hết khách. Rau củ được mạnh thường quân tài trợ, còn thiếu gì tôi sẽ đích thân đi mua” – bà Hiến chia sẻ thêm.
San sẻ yêu thương
Mục đích của quán là đem lại cho người dân bữa cơm giá rẻ, đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng để làm việc, đặc biệt là bà con lao động.
2.000 đồng không chỉ là một bữa cơm mà còn chứa đựng sự sẻ chia, yêu thương của một bữa cơm gia đình ấm áp, một bữa ăn có nụ cười, tình thương, niềm tin và sự tử tế ở trong đó.
Mỗi ngày, quán cơm tấp nập người đến ăn. Có nhiều người đến ăn vì muốn trải nghiệm thử một bữa cơm chay giá 2.000 đồng.
Cũng có người đến vì muốn được chung tay góp sức thêm cho quán có điều kiện kéo dài hoạt động, phục vụ những người khó khăn.
Đại đức Thích Quảng Dũng – Trụ trì chùa Long Hoa, Trưởng Ban Kiểm soát Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định cho biết, mục đích của việc lấy 2.000 đồng là để người khổ, cũng như người giàu muốn ăn chay không cảm thấy mặc cảm.
“Tôi cũng không cử người đứng thu, mà chỉ để thùng tiền nhận 2.000 đồng rồi tự mọi người bỏ, mọi người bỏ cũng được, mà những người khó khăn quá không bỏ cũng không sao” – Đại đức Thích Quảng Dũng cho hay.
Theo Trụ trì chùa Long Hoa, các mạnh thường quân chỉ đóng góp về vật phẩm gồm: gạo, xì dầu, nước tương… nhưng việc chính đều do chùa và các phật tử lo liệu, hỗ trợ. Quán ăn ngoài bếp chính còn có 6 bạn tình nguyện viên, các bạn này là người gần trong địa phương.
Theo Báo Lao Động