Với mong muốn san sẻ yêu thương dành cho lao động nghèo, hàng chục bạn trẻ đã chung tay mở ra quán cơm thiện nguyện ngay giữa lòng phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Cơm cố định và cơm “di động”
Gần 4 tháng qua, quán cà phê Rim (126A Lý Thường Kiệt, TP.Hội An) trở thành địa chỉ thân thuộc đối với ngườilao động nghèo tất bật bươn chải mưu sinh kiếm cơm giữa chợ đời phố cổ.
Đều đặn vào ngày rằm và mồng 1 âm lịch hằng tháng, ngay trước không gian bán nước giải khát này lại dựng lên tấm băng rôn căng ngang dòng chữ: “Quán cơm 2000 đồng dành cho người nghèo” nhằm mục đích phục vụ cơm chay miễn phí hoặc 2 nghìn đồng cho những cô chú hành nghề xe ôm, bán vé số, mua ve chai…
Điều đặc biệt, chủ nhân của quán cơm từ thiện đầu tiên ở Hội An này là “tập hợp” các sinh viên hiện đang theo học ở các thành phố lớn và những bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp ra trường.
Nhắc đến “đứa con” chung của hội, bạn Hồ Hoàng Thạch (trưởng nhóm, đồng thời cũng là “cha đẻ” của quán cơm chay 2.000 đồng) cho hay: “Ý tưởng nấu cơm chay phục vụ cho lao động nghèo đã được em nung nấu từ suốt 4 năm theo học ở TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, hội đồng hương Hội An hoạt động từ thiện rất mạnh và thường xuyên tổ chức phát cơm miễn phí cho người nghèo. Chính điều ấy đã thôi thúc em quyết tâm bằng mọi giá thực hiện mô hình này ở phố cổ Hội An”.
Vậy là vừa cầm tấm bằng đại học Trường Học viện Hàng không Việt Nam trên tay vào tháng 10.2015, Thạch lật đật khăn gói về quê kiếm việc làm thêm trong thời gian chờ đợi vị trí phù hợp với chuyên môn và triển khai ngay ý định thai nghén bấy lâu.
Sau khi vận động một số bạn vừa tốt nghiệp cùng khóa với mình và các sinh viên đang thực tập ở quê, Thạch xúc tiến mở quán cơm mang tinh thần, tấm lòng thiện nguyện của những người trẻ chất chứa ngọn lửa yêu thương dành cho lao động nghèo. Cái tên quán cơm 2.000đồng dành cho người nghèo cũng từ đó mà ra, trở thành “ngôi nhà chung” của các chị thu mua ve chai, bán vé số hay anh xe ôm, bác đạp xích lô…
7 giờsáng, nhóm bạn trẻ khoảng độ trên dưới 20 thành viên tụ họp ngay tại căn bếp của quán cà phê và tự tay chế biến món ăn chay với đầy đủ rau, đậu phụ, canh…Tầm 10 giờ, cả nhóm lại xúm xít bên chiếc bàn đặt hàng trăm suất cơm và bắt đầu phân công nhiệm vụ.
“Một nhóm túc trực ở quán và phục vụ các cô chú có nhu cầu ăn uống tại chỗ và địa điểm này được bày biện sẵn bàn ghế. Nhóm còn lại đảm nhiệm phát cơm di động, tức là điều khiển xe máy, thậm chí xe đạp tỏa đi các con đường lớn nhỏ trong phố cổ để mang cơm đến cho những lao động không có điều kiện đến trực tiếp quán”, bạn Lê Thị Thanh Vân (sinh viên năm 4, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng), thành viên tham gia hành động mang đậm ý nghĩa nhân văn của nhóm ngay từ ngày đầu mới thành lập, vui vẻ chia sẻ.
Đề cập bài toán nguồn kinh phí duy trì hoạt động, “thủ lĩnh” Thạch bộc bạch: “Thời gian đầu, nhóm vấp phải vô vàn khó khăn và thiếu thốn trăm bề. Mỗi thành viên đã tự nguyện ủng hộ từng đôi đũa, cái muỗng, vỏ hộp và chắt chiu tiền tiết kiệm của mình để mua sắm rau, củ…tổ chức nấu bữa ăn hoàn chỉnh cho người nghèo.
Dần dần, thông qua diễn đàn Facebook“ Quán cơm 2 nghìn dành cho người nghèo”, đông đảo các mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa đã hưởng ứng, ủng hộ cho nhóm nên quán cơm ngày càng bền vững. Trung bình mỗi bữa cơm, tụi em nấu khoảng 200 suất với mức kinh phí dao động từ 2-2,5 triệu đồng”.
Lan tỏa đến bệnh nhân nghèo
11 giờtrưa, từng tốp lao động nghèo trên địa bàn thành phố vào ra quán tấp nập. Trên gương mặt khắc khổ vì bao năm cực nhọc lăn lộn với các nghề “bán sức” cho trời của họ vẫn lăn dài những giọt mồ hôi ướt sũng. Nhưng khi đón nhận suất cơm nghĩa tình mà những bạn trẻ này gửi gắm bằng tất cả yêu thương, hết thảy lao động nghèo lại nở nụ cười giòn tan như bày tỏ sự cảm mến.
Nhẹ nhàng đẩy chiếc xe lăn chầm chậm dựng sát vỉa hè sau khi được 2 bạn tình nguyện viên trong quán cơm trợ sức nhấc lên dốc, ông Trần Ngọc Niêm (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) thở phào nhẹ nhõm và vui vẻ đón nhận hộp cơm miễn phí được nhận định kỳtừ quán. Ông Niêm nói vui rằng, từ ngày có quán cơm này, ông thừa nhận mình là khách hàng “ruột” bởi chưa bỏ sót một buổi cơm nào do quán nấu.
“Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của tôi khi bị cụt cả 2 chân mà phải bán vé số nuôi 2 con ăn học, các cháu ở đây phát cơm mà không bao giờ cho tui bỏ 2 ngàn vào trong thùng tự nguyện. Quả thật với những bữa ăn như thế này, những lao động nghèo như tụi tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền tương đối lớn với bản thân và rất đỗi hạnh phúc trước tấm lòng của sắp nhỏ khi cất công nấu bữa cơm tươm tất như thế này”, ông Niêm xúc động.
Nhìn hàng chục người nghèo tứ xứ đang kiếm kế sinh nhai ở phố cổ tập trung đến quán cơm của nhóm ngày một đông, Hồ Hoàng Thạch cùng các thành viên khác không khỏi mừng vui và vẻ rạng ngời lộ rõ trên từng gương mặt của những bạn trẻ này.
Chia sẻ kế hoạch trong thời gian tới, Thạch không giấu dự định về lâu về dài sẽ nhân rộng mô hình ở phạm vi lớn hơn. Nói rõ về điều này, Thạch giải thích: “Chúng em mong muốn ngoài nấu cơm 2 nghìn hoặc miễn phí cho người lao động thì sẽ cho chương trình lan tỏa đến bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện trong và ngoài thành phố. Tất cả nhận định việc này sẽ khó thực hiện trôi chảy nhưng bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhóm tự tin một ngày không xa sẽ biến ước mơ đó thành sự thật”.
Nhận xét về việc làm của các bạn trẻ tại quán cơm “độc nhất vô nhị” ở phố cổ, chị Trần Thị Cẩm Nhung, Bí thư Thành đoàn Hội An, nói: “Đây là quán cơm chay dành cho lao động nghèo đầu tiên ở Hội An và Thành đoàn cũng đã tiếp nhận những lời ngợi khen từ cộng đồng dành cho nhóm. Quả thật hành động của các bạn trẻ rất đáng được biểu dương và chúng tôi hy vọng nhóm sẽ làm được nhiều việc có ích hơn nữa cho địa phương cũng như những người nghèo từ khắp mọi nơi”.
Nguồn Tổng Hợp