Thức ăn ngày Tết dư thừa thường khiến nhiều bà nội trợ đau đầu. Dưới đây là 1 số mẹo để các chị em bảo quản và biến tấu các món ăn ngày Tết.

Đối với thức ăn ngày Tết dư thừa, nếu vứt bỏ thì lãng phí mà giữ lại thì khó ăn hết. Do đó, bạn cần bí quyết để sử dụng hợp lí mà vẫn ngon miệng. 

Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau để tận dụng thực phẩm thừa tránh lãng phí thức ăn ngày Tết.

Xôi

Mẹo nhỏ để tránh lãng phí thức ăn vào ngày Tết - Ảnh 1.

Xôi là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết từ tất niên đến giao thừa. Hầu như nhà nào cũng dư xôi do có nhiều thức ăn. 

Thay vì đổ bỏ lãng phí, có thể để ngăn đá sau đó hấp lại ăn dần hoặc làm món xôi chiên phòng thơm ngon đảm bảo ai cũng thích.

Gà là thực phẩm đứng hàng thứ hai trong danh sách các món thường thừa sau Tết. Sau khi cúng, gà đã luộc để ngăn đá sẽ bị bở, ngăn mát không để được lâu, luộc lại thì mất ngon mà ăn ngay thì không thể. Để tận dụng gà thừa, bạn có rất nhiều cách. 

Gà có thể chặt miếng để kho gừng sả, xào lá chanh. Nếu bạn có thời gian, hãy ngồi xé thịt hết các phần gà thừa và nấu một nồi súp măng thật ngon cho cả nhà dùng. 

Mẹo nhỏ để tránh lãng phí thức ăn vào ngày Tết - Ảnh 2.

– Phần thịt lớn hơn, có thể chế biến thành các món gỏi, nộm.

– Phần nạc trắng có thể xé ra nấu mì, miến hay làm ruốc rất thơm ngon ăn kèm với xôi.

– Phần đùi gà chặt ra nấu đông hoặc chiên mắm rất ngon.

– Phần cổ cánh xương sống có thể làm nồi cháo hoặc đun lấy nước nấu cùng miến.  

Nem, chả

Chả lụa và nem cũng là nhưng món ăn thường dư ê hề sau Tết. Những món này cũng có thể biến thành bữa sáng cho cả gia đình. Điển hình như bánh cuốn nóng hổi kẹp chả. Nhiều gia đình cũng thích thú với món giò lụa kho mặn với thịt ba rọi. 

Ngoài ra bạn có thể mua thêm bánh mì hoặc bánh ướt về và làm bữa sáng cho cả nhà. Đối với nem nhiều nhà cuốn to khi thắp hương thường cắt ra chiên lại sẽ rất khô. Có thể cuốn nem ngắn để hạn chế hoặc không chiên lại mà hãy quay bằng nồi chiên không dầu 7 đến 8 phút 200 độ.

Hoặc nem cắt nhỏ chiên trứng hoặc chiên với cơm kèm rau củ.

Mẹo nhỏ để tránh lãng phí thức ăn vào ngày Tết - Ảnh 3.

 Bánh chưng

Bánh chưng để tương đối lâu không như thức ăn. Muốn bánh lâu mốc sau khi luộc rửa thật kỹ với nước lạnh cho sách để khô ráo rồi cho luôn vào tủ lạnh. 

Cách bảo quản bánh chưng tốt nhất là gói bánh chưng vào túi nilon. Sau đó bỏ bánh vào ngăn đá, đến khi ăn hãy lấy ra rán. Như thế, bánh có thể để hơn cả tháng sau Tết.

Mẹo nhỏ để tránh lãng phí thức ăn vào ngày Tết - Ảnh 4.

Để chống ngán, dùng bánh dàn mỏng và cho các miếng xúc xích cùng ít sợi dưa chua vào cuộn lại như gói giò chả. Sau đó chiên vàng đều xung quanh bằng chảo ngập dầu cho thật giòn. Món này ăn kèm tương xí muội hoặc tương ớt trộn sốt mayonnaise sẽ rất ngon.

Theo báo Người Lao Động