Giữa khoảnh sân nắng ấm tại xóm Tàu thủy-một khu lao động nghèo ở phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Ðức, bà Năm vé số tay ôm chậu trầu bà xanh non, tay cầm micro rổn rảng hát bài “Ngày Tết quê em” trong tiếng hò reo của nhiều người. Lâu lắm láng giềng mới thấy nụ cười trong ánh mắt của bà. Bữa nay, bà đến dự tiệc tất niên đặc biệt do Ngân hàng thực phẩm Việt Nam tổ chức.

Suốt bảy tháng qua, Ngân hàng thực phẩm Việt Nam tổ chức nhiều dự án cộng đồng kịp thời hỗ trợ lao động khó khăn, người yếu thế.

Ðặc biệt, bởi vì tiệc tất niên này tổ chức tận mấy ngày liền để có thể tiếp đón, chúc Tết 1.000 cô, chú lao động khó khăn trước thềm năm mới. Họ là lao động khó khăn ở thành phố Hồ Chí Minh, được mời về dự bữa tiệc cuối năm ấm áp tình thân và cùng nhìn lại một năm đầy biến cố nhưng cũng chan chứa tình thương. Cùng với bàn tiệc tại chỗ còn có cả những phần ăn tất niên “di động” được trao tận tay người nghèo, người vô gia cư trên các tuyến đường trong vài ngày tới. Ðược ăn, được nói, được gói mang về đúng nghĩa, ai cũng vui. Khi cầm túi quà trên tay kèm theo lời chúc Tết, động viên của các tình nguyện viên, nhiều người ứa nước mắt. Chị Phúc, một khách mời tại chương trình “Bữa ăn ngày Tết-Ấm lòng người khó khăn” cho biết: Mấy tháng dịch, khi chẳng thể ra đường lượm ve chai kiếm sống, chị đã nhiều lần nhận được thực phẩm, trứng, gạo từ Ngân hàng thực phẩm Việt Nam. Giờ lại quà Tết và cả những kỷ niệm khó quên cùng mấy người bạn chung cảnh ngộ trong khu phố, hỏi sao không vui, không xúc động. Ðâu riêng chị Phúc, bà Năm, khách nào đến tiệc tất niên này cũng ngồi ôn lại chuyện ngày dịch rồi nói: “May mà có mấy cô, chú giúp kịp thời, chứ nếu không chẳng biết xoay xở sao”. Nghe mấy câu cảm ơn cùng nụ cười giòn tan của bà con xóm lao động nghèo, ban tổ chức chương trình nhìn nhau, thấy lòng ấm đến lạ. Năm 2021 trôi qua với quá nhiều mất mát, đau thương nhưng chính giai đoạn đầy thử thách ấy khiến các tình nguyện viên Ngân hàng thực phẩm Việt Nam có thêm động lực để cố gắng đến cùng. Ðó là khi họ mở “Tủ lạnh 0 đồng” đặt ngay vỉa hè và thấy bên trong ngập tràn trứng với rau củ của các nhà hảo tâm trao tặng. Hay khi xe thực phẩm từ các nơi chở về kho với lời nhắn “Chút tình thương trao tặng người dân thành phố Hồ Chí Minh trong mùa dịch”. Và cả khi nghe tin gia đình F0 khỏi bệnh, muốn quay lại làm tình nguyện viên giúp cộng đồng. Dịch bệnh khiến mọi người sát lại gần nhau để cho đi, san sẻ nhiều hơn.

Gần bảy tháng trước, ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (tổ chức hoạt động phi lợi nhuận nhằm mục đích cung cấp thực phẩm miễn phí cho người yếu thế và thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm) thành lập WareHouse Ho Chi Minh City-Kho lưu trữ thực phẩm cho người khó khăn đầu tiên tại Việt Nam. Nếu như hơn 40 ngân hàng thực phẩm trên thế giới đều chọn tổ chức kho lưu trữ thực phẩm quy mô lớn, đặt tại các khu công nghiệp, thì Ngân hàng thực phẩm Việt Nam lại chọn đặt kho tại một xóm lao động nghèo với quy mô nhỏ gọn. Ngân hàng thực phẩm Việt Nam chọn hướng đi khác biệt mô hình chung toàn cầu vì muốn được sát bên, lắng nghe và kịp thời chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Ở khu tái định cư này có hơn 500 lao động nghèo, đa phần thuê trọ mưu sinh, nên từ ngày kho thực phẩm “0 đồng” xuất hiện, bà con thấy mừng lắm. Những tháng thành phố căng mình chống dịch, lao động nghèo tại nhiều con hẻm nhỏ hay người già, trẻ em các mái ấm, nhà mở đã quen với sự xuất hiện của các tình nguyện viên Ngân hàng thực phẩm Việt Nam. Hơn bốn triệu suất ăn “0 đồng” là món quà nghĩa tình được dự án “Bếp yêu thương” trao tặng đến cộng đồng. Giờ thành phố đã bình thường mới nhưng bếp vẫn đỏ lửa mỗi ngày với mong muốn trao thêm nhiều suất cơm nóng, đầy đủ dưỡng chất đến những ai đang cần. “Chúng tôi chọn thích ứng với địa phương, làm mô hình nhỏ vì nếu làm lớn, đặt ở một khu công nghiệp nào đó thì sẽ khuyết mất sự va chạm với bà con trong giai đoạn họ cần mình nhất. Ðiều chúng tôi muốn làm là cố hết sức để không ai bị đói và không còn thực phẩm lãng phí trong cộng đồng. Sau kho thực phẩm cho người nghèo đầu tiên đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai thêm ở các tỉnh, thành phố khác để lan tỏa mô hình”, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam chia sẻ.

Chính thức ra mắt vào năm 2018 với các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng, hai năm nay là thời điểm Ngân hàng thực phẩm Việt Nam dốc sức cho các chương trình “0 đồng” thiết thực. Từ “Nhà hàng dã chiến”, “Tủ lạnh 0 đồng”, “Xe di động phát cơm miễn phí”, “Khách sạn cộng đồng”, “Siêu thị sẻ chia” đến “Bệnh viện tại nhà”, “Xe cấp cứu 0 đồng”, dự án nào cũng được triển khai hết công suất để kịp giúp mọi người trong mùa dịch. Bên cạnh việc giúp người nghèo, người vô gia cư cải thiện bữa ăn, tiết kiệm chi phí, Ngân hàng thực phẩm Việt Nam còn tạo mạng lưới ngày càng nhiều các đơn vị cam kết sử dụng tiết kiệm thực phẩm, hạn chế tình trạng lãng phí đáng báo động hiện nay. Theo đó, rất nhiều nhà hàng, quán ăn, siêu thị, hộ nông dân, doanh nghiệp… tại thành phố Hồ Chí Minh đã “bắt tay” cùng Ngân hàng thực phẩm Việt Nam thực hiện các dự án trao tặng hoặc bán trợ giá thực phẩm cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Tổ chức này còn hướng đến việc thu mua nông sản cho bà con nông dân vào thời điểm “dư cung” và điều phối đến nơi cần, tránh tình trạng người nuôi trồng bị ép giá trong khi các điểm vẫn mua nông sản với chi phí chưa hợp lý.

Theo nhandan.vn