Vào dịp Tết, nhiều gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm như bánh chưng, giò chả, bánh kẹo… để tiện sửa soạn mâm cỗ và tiếp khách. Tuy nhiên, điều này cũng thường dẫn tới tình trạng lãng phí thực phẩm.
Tết là dịp đặc biệt nhất trong năm, nên tâm lý chi tiêu mạnh tay của người dân là điều dễ hiểu. Hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình ngày Tết là bánh chưng xếp chồng, tủ lạnh chật kín đủ loại món ăn, thực phẩm được mua sắm dồi dào, thậm chí vượt xa nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, việc mua sắm chi tiêu tốn kém cho việc mua sắm thực phẩm của nhiều gia đình đã dẫn đến tình trạng dư thừa thực phẩm, tồn đọng từ ngày này qua ngày khác. Nhiều gia đình buộc phải vứt bỏ lượng lớn thức ăn thừa do để lâu, không sử dụng hết, dẫn đến ôi thiu, mốc hỏng.
Không chỉ vậy, các giỏ quà Tết chứa bánh kẹo, hoa quả cũng bị hư hỏng do không kịp dùng đúng hạn. Tình trạng thực phẩm dư thừa không chỉ gây lãng phí mà còn chất đống tại các bãi rác, tạo gánh nặng cho môi trường.
Chưa kể, sau Tết, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lại tổ chức tiệc tân niên, với tâm lý năm mới đủ đầy, trang trọng, thức ăn được gọi đầy bàn nhưng dùng không hết… Sự lãng phí hiển hiện ở nhiều gia đình, nhiều nơi, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó còn cho thấy, tâm lý tích trữ đồ ăn và thói quen nấu nướng trong những ngày Tết đã gây sự lãng phí lớn lương thực, thực phẩm. Sự phung phí, sử dụng đồ ăn không hợp lý đã và đang tồn tại trong nhiều người. Thực trạng đáng nói này năm nào cũng được nhắc nhở, cảnh báo, nhưng nhiều người chưa thay đổi. Đây không chỉ là lãng phí về tiền bạc, của cải, mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy khác cho môi trường, cho xã hội…
Nên mỗi người cần phân biệt giữa sự đủ đầy và lãng phí để điều chỉnh hành vi chuẩn bị lương thực, thực phẩm trong dịp Tết. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tiến trình phân loại rác để không lãng phí nguồn “tài nguyên” từ rác, hướng đến phát triển môi trường bền vững.
Điều đáng mừng là hiện nay, không ít người suy nghĩ rất tích cực về việc “ăn Tết” với lối sống khoa học, lành mạnh, họ đã tối giản việc “ăn” và tập trung thưởng thức Tết ở vị tinh thần. Điều này cần được lan tỏa, nhân rộng hơn nữa trong xã hội để ngăn chặn và giảm dần sự lãng phí thực phẩm ngày Tết.
Các tip giúp hạn chế lãng phí thực phẩm sau Tết
Xử lý thực phẩm thừa
Thực phẩm đã chế biến sẵn: Nếu còn lại món ăn chế biến từ trước, nên kiểm tra chất lượng và bảo quản trong tủ lạnh hoặc đóng gói kín rồi đông lạnh để dùng sau.
Thực phẩm tươi sống: Nếu chưa kịp sử dụng, có thể sơ chế và chia nhỏ để bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh.
Trữ đồ ăn thừa: bạn cần trữ đồ trong dụng cụ chứa sạch, có nắp đậy kín hoặc bọc kín bằng màng bọc thực phẩm. Nên chia vào các hộp đựng nhỏ, nông để chúng được làm lạnh nhanh hơn. Nên trữ lạnh thức ăn thừa trong vòng 2 tiếng sau khi nấu và không cần đợi đến khi thức ăn nguội mới cất vào tủ, vì những loại tủ lạnh hiện đại có khả năng xử lý nhiệt.
Cách làm sạch tủ lạnh
Sau Tết, nên lau chùi, làm sạch tủ lạnh để loại bỏ mùi hôi và vi khuẩn, đồng thời kiểm tra lại các thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không còn tươi ngon.
Lưu ý chung: Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ trong suốt quá trình bảo quản thực phẩm. Kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn. Đảm bảo nhiệt độ bảo quản thực phẩm ở mức thích hợp (tủ lạnh từ 0 – 4 độ C, ngăn đông dưới -18 độ C).
Theo sohuutritue.net.vn