Cải thiện chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực ở các nước đang phát triển là việc làm cần thiết để chống biến đổi khí hậu và giải quyết nạn đói trên thế giới. Đây là nhận định của các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 12-11.

<em>Thực phẩm tại siêu thị ở Millbrae California Mỹ Ảnh minh họa THXTTXVN<em>

Theo đó, báo cáo chung của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) khẳng định việc cải thiện hiệu quả của hệ thống làm lạnh sẽ giúp tránh lãng phí thực phẩm và tăng doanh thu cho các hộ nông dân nhỏ.

Phát biểu với báo giới tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra ở Ai Cập, Phó Giám đốc FAO Zitouni Ould-Dada cho biết hầu hết các nước đang phát triển đều thiếu hệ thống làm lạnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Việc cải thiện chuỗi cung ứng lạnh cho thực phẩm có thể giúp các nước đang phát triển tránh lãng phí 144 triệu tấn thực phẩm mỗi năm.

Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, với hơn 800 triệu người bị ảnh hưởng nạn đói. Trong khi đó, ước tính khoảng 14% lượng thực phẩm tươi bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng do thiếu các dây chuyền lạnh hiệu quả để bảo quản.

Cũng theo báo cáo trên, tránh thất thoát và lãng phí lương thực sẽ giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách giảm phát thải khí methane tạo ra trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2017, lượng khí CO2 tạo ra trong nông nghiệp do thiếu hệ thống làm lạnh là 1 tỷ tấn, tương đương 2% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong cùng năm.

Ông Ould-Dada nhận định hệ thống làm lạnh hiệu quả hơn “không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn mang lại lợi nhuận cho nông dân”, cho phép họ bảo quản sản phẩm tốt hơn trước khi đưa ra thị trường.

Theo baobinhphuoc.com.vn