Ba người phụ nữ đã đứng ra thành lập và vận hành quán cơm 0 đồng cho người lao động khó khăn tại Đà Nẵng. Quán cơm ấy đã đón nhận hàng triệu tấm lòng từ trong và ngoài nước, nhân lên điều tử tế.
Các tình nguyện viên chuẩn bị cơm ở bếp ăn 0 đồng – Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Đó là chị Quế Chi, chị Tường Vi và chị Đặng Thị Liên. Mỗi người một công việc, độ tuổi cũng khác nhau nhưng chính con tim yêu thương và mong muốn sẻ chia đã kết nối họ làm một để xây dựng nên bếp ăn 0 đồng ấm tình người.
Bà con cứ tự nhiên
Hơn 11h trưa hè đầu tháng 6, trời nóng như đổ lửa. Một tốp thợ hồ quần áo lấm lem, mồ hôi nhễ nhại dừng xe trước quán cơm số 47 Bùi Dương Lịch, quận Sơn Trà.
“Rửa ráy đi cho mát rồi vào ăn cơm mấy anh ơi. Trời nắng ni đi làm vất vả hỉ” – lời chị Tường Vi chào vọng ra từ trong bếp. Sau lời chào, chị Vi nhanh nhẹn bới mấy dĩa cơm trắng đầy ắp, gắp từng món ăn xếp lên dĩa rồi đưa tận tay những thực khách của mình. Chị không quên dặn: “Mấy anh cứ tự nhiên nhé, ăn hết lại lấy thêm thức ăn và cơm, chắc bụng chiều mới có sức làm việc nặng”.
Suốt buổi trưa, trong bếp cơm lợp tôn tạm ngày hè, thực khách vẫn ra vào, cười nói vui vẻ. Thấy có khách lạ vào quán là chị Vi đến làm quen, hỏi chuyện rồi dặn dò lần sau ghé lại, biết có ai đi làm cùng thì chỉ họ đến quán ăn.
Bà Huệ một phụ nữ ngoài 50 làm nghề bán vé số dạo vừa ăn dĩa cơm ngon lành vừa kể: “Tui và em gái, cả mẹ đã gần tuổi 80 làm nghề vé số dạo. Bình thường bữa tối là tự nấu ăn, còn bữa trưa thường ghé các quán mua cơm. Mỗi suất cơm thường người ta bán 20-25 ngàn thì mình mua hộp 10 ngàn thôi, ít thức ăn, ít cơm lại xíu”.
Nghe người ta chỉ ở đây có quán cơm chay miễn phí, vậy là mỗi buổi trưa, mẹ con bà Huệ thường ghé quá ăn. “Mỗi ngày đỡ được vài chục ngàn chứ chẳng ít” – bà Huệ vui mừng nói.
Chị Vi cho biết, nấu cơm chay đôi khi khó hơn cơm mặn, từ nêm nếm gia vị, chọn nguyên liệu, chọn món phải làm sao cho thật đảm bảo để bà con dễ ăn hơn.
Trong ba chị em, Quế Chi là đầu mối chuyên liên hệ các mạnh thường quân xin tài trợ, tính toán sổ sách, quản lý thu chi. Còn chị Vi, chị Liên là người trực tiếp đứng bếp.
Công việc chạy xe ôm công nghệ, nhưng chị Vi dành hầu hết thời gian buổi sáng đến trưa để lo việc nấu nướng, đưa cơm ở bếp ăn 0 đồng. Buổi chiều chị lại kiếm mấy cuốc xe đôi ba chục mưu sinh. Rồi chập tối lại chuẩn bị nguyên liệu để nấu cơm cho sáng sớm hôm sau.
Để có một bữa cơm trưa đều đặn hàng ngày, các chị phải chuẩn bị từ 6 giờ sáng. Sau 10h trưa là công việc của họ tất bật hẳn. Hôm chúng tôi đến, chị Liên lo phục vụ khách cùng với mấy tình nguyện viên, chị Vi tất tả đội nắng mang cơm cho một gia đình trên cầu Thuận Phước. Chị kể một gia đình có người gieo mình xuống sông, nhiều ngày qua họ vẫn dựng chòi tạm trên cầu để tìm kiếm. Biết hoàn cảnh họ khó khăn, chị Vi buổi trưa lại dành vài suất cơm trực tiếp đưa đến.
Biết hoàn cảnh người già neo đơn, người khuyết tật, khó khăn không thể tự đi đến quán được, chị Vi lại gói cơm vào hộp mang đến tận nhà. Các hoàn cảnh ở bệnh viện Chỉnh hình, bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng cũng thường đón nhận những suất cơm nóng hổi từ chị.
Chị Vi (phải) hỏi han thực khách đến quán cơm 0 đồng – Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Mong được sẻ chia
Trên facebook của chị Quế Chi luôn đăng tải đầy đủ những thông tin các mạnh thường quân ủng hộ cho quán cơm 0 đồng. Quế Chi chia sẻ, lúc mấy chị em dựng quán cơm này, nhiều người hảo tâm đã cùng góp của, góp sức cất nhà từ ủng hộ sắt, tôn, làm kèo, mái. Thợ hồ thì hỗ trợ công làm. Thế là một quán cơm 0 đồng được dựng lên từ chính sự hảo tâm của những người xung quanh.
Cả chị Chi, chị Liên và Tường Vi đều tâm niệm qua quán cơm 0 đồng mong muốn được sẻ chia một phần nào khó khăn của những người lao động thu nhập thấp đang hằng ngày vất vả mưu sinh.
Cả ba tâm sự cũng chính cái tâm và hết mình với bà con mới thấy được tình cảm bà con dành cho mình. Nhiều cô chú bán vé số tuổi đã cao, tuy biết là cơm 0 đồng nhưng họ vẫn bỏ vào thùng quyên góp nơi góc bếp tờ 5 ngàn, 10 ngàn khiến ai nhìn cũng thấy xúc động. Có những hoàn cảnh các cụ già khó khăn, neo đơn, khi thấy nhóm đưa cơm đến mỗi buổi trưa, họ can ngăn: “chứ tiền đâu mà tụi con mang cơm cho miết rứa? Còn nhiều người khác khó khăn thôi mấy đứa mang cho người ta bớt”.
Đó là bài học, là niềm vui mà những người đặt trọn tâm mình vào quán cơm 0 đồng nhận được. Có những người dù khó khăn nhưng họ vẫn nghĩ cho những người khó khăn hơn mình. Họ nhận bằng tất cả sự trân quý thì nhóm càng thêm động lực để duy trì bếp ăn.
Cứ như thế mỗi buổi trưa hằng ngày có hàng chục suất ăn chan chứa yêu thương sẻ chia đến với những lao động thu nhập thấp. Hàng trăm sự giúp đỡ từ trong và ngoài nước gửi về. Người góp bao gạo, bó rau, người góp thời gian công sức… để có những suất cơm góp phần vơi bớt gánh nặng mưu sinh cho nhiều mảnh đời.
Nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa
Chị Quế Chi (trái) và nhóm thiện nguyện của mình thường thăm, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn – Ảnh: FBNV
Ngoài bếp ăn 0 đồng, các thành viên còn lập nên nhóm An Nhiên tổ chức thường xuyên các hoạt động thiện nguyện tận những vùng núi khó khăn. Thời gian dịch COVID-19, nhóm nấu cơm phát ở các điểm cho người thu nhập thấp.
Nhóm thường xuyên gây quỹ tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho những mảnh đời bất hận, trẻ em bị bỏ rơi, chăm sóc hỗ trợ các cụ già neo đơn không nơi nương tựa…
Theo Báo Tuổi Trẻ