Tiệm tạp hóa Grocery Spot nằm ở Grove Park, Atlanta, là nơi hàng trăm người nghèo đến nhận thực phẩm miễn phí mỗi ngày giữa bão giá.
Những người đang chật vật đối phó khủng hoảng vật giá tại Grove Park, một trong những khu phố nghèo nhất thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia ở miền nam nước Mỹ, có thể đến Grocery Spot để nhận rau củ, thịt đông lạnh và nhiều loại thực phẩm miễn phí ba ngày mỗi tuần.
Grocery Spot mở cửa hai năm trước, thời điểm Tổng thống Joe Biden vừa nhậm chức và chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ bắt đầu tăng chóng mặt. Lượng khách đến cửa hàng gần đây tăng vọt, khi người Mỹ đối mặt với lạm phát leo thang.
“Nếu đến siêu thị và mua vài món thôi, ta có thể phải trả tới 100 USD”, Theresa McGhee, người làm việc trong lĩnh vực y tế, nói khi chọn đồ trên kệ ở cửa hàng Grocery Spot. Bà đến đây để lấy một ít khoai tây, vài thanh yến mạch ăn liền và một hộp kem.
Nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là lạm phát, đang là chủ đề nóng nhất trong mọi cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra từ ngày 8/11. Tại Atlanta, một thế hệ “người mới nghèo” đã ra đời do vật giá tăng vọt.
Biết được việc mình đang làm có thể nuôi ăn bao nhiêu người là động lực giúp chúng tôi tiếp tục, khiến chúng tôi thấy mình có ích hơn.
Với tỷ lệ lạm phát 12%, Atlanta là một trong những thành phố có mức tăng vật giá lớn nhất năm nay ở Mỹ. McGhee nhận định “lòng tham” của những doanh nghiệp lớn lẫn một số chính trị gia là gốc rễ của cuộc khủng hoảng lạm phát hiện nay.
Giá cả tăng cao ở khu phố Grove Park, nơi có 97% là người da màu, đang làm gia tăng nỗi hoài nghi với các chính trị gia Mỹ và có khả năng khiến đảng Dân chủ đánh mất lòng tin của cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ.
Đảng Dân chủ phụ thuộc nhiều vào lá phiếu của người Mỹ gốc Phi trong nỗ lực giành chiến thắng tại Georgia, bang từng gây tranh cãi gay gắt trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Slugga, quản lý cửa hàng Grocery Spot, quyết định sẽ không đi bỏ phiếu.
“Tôi không hiểu bỏ phiếu có ý nghĩa gì”, người đàn ông gốc Phi 39 tuổi nói.
Slugga lớn lên ở nơi này, coi chính trị không khác gì bộ phim truyền hình không hồi kết về tranh giành phe phái. “Ai sẽ giúp chúng tôi có tương lai?” anh đặt câu hỏi.
“Anh sẽ ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu người làm việc cả đời mà không đủ ăn đấy”, một người phụ nữ mặc áo khoác đen dài trong cửa hàng than thở.
“Nhiều người chỉ được nhận số tiền vừa đủ để biết rằng họ đang túng thiếu như thế nào”, một tình nguyện viên vừa nói vừa dọn dẹp hộp đựng đồ trong cửa hàng.
Grocery Spot chi hơn 400 USD mỗi tuần mua dầu diesel để nhân viên lái xe quanh Georgia, tìm kiếm nguồn hàng có sẵn. Cửa hàng hoạt động ba ngày mỗi tuần, từ 11h tới 19h, tiếp đón gần 500 người mỗi ngày.
“Một thế hệ người nghèo vừa xuất hiện mà không được ai chăm sóc”, Matt Jones, người sáng lập cửa hàng từ thiện, nói. “Tôi mở cửa để phục vụ các giáo viên, tài xế xe công nghệ hay nhân viên siêu thị Walmart”.
Tại Grocery Spot, khách hàng được kêu gọi trả một khoản tiền nhỏ “theo khả năng cho phép” khi mua hàng, nhưng không bắt buộc. Cô bán hàng rung chuông ầm ĩ thông báo mỗi khi nhận được khoản quyên góp.
“Chúng tôi muốn là siêu anh hùng của chính mình”, Slugga nói, lưng dựa vào chiếc xe tải sặc sỡ mà cửa hàng dùng để thu gom thực phẩm tươi sống.
“Chúng tôi hoạt động theo phương châm lá lành đùm lá rách”, anh nói khi nhìn mọi người đang nhặt đầy giỏ thức ăn. “Hôm nay có rất nhiều người được no bụng”.
Theo AFP