Vỏ rau củ quả ủng, bã cà phê… tất cả những rác thải hữu cơ này không chỉ đơn giản là được tống vào những máng chứa rác thải tại khu Dover của Trường Quốc tế Đông Nam Á ở Singapore (UWCSEA). Thay vào đó, tất cả những rác thực phẩm này có một đời sống thứ hai khi trở thành phân bón cho các khu vườn rộng lớn của ngôi trường này.

Từ năm 2012, UWCSEA đã bắt đầu dự án nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Các học sinh trung học phải tự thu gom rác thải hữu cơ hàng ngày từ căn tin trường và dựng những khu ủ phân bón trong khuôn viên Dover của trường. Hugh Crombia, một học sinh 17 tuổi tâm sự: “Trước đây, chúng tôi đã không nhận thức được rằng có bao nhiêu rác thải tự nhiên mà chúng tôi đã bỏ đi mỗi ngày. Giờ đây, việc của chúng tôi là đi thu gom phân compost từ các thùng rác mỗi 2 tuần/lần để bón cho các khu vườn của trường”.

Dự án thành công và gây được tiếng vang. Kể từ năm ngoái, chương trình mở rộng và tạo điều kiện cho các học sinh lớp 5 của UWCSEA tham gia. Mỗi ngày, các học sinh nhỏ này phải thay phiên nhau thu gom 50 lít thực phẩm hữu cơ thải ra chưa qua chế biến từ căn tin, trộn với lá khô và nước chứa trong những thùng làm phân.

Khu Dover của UWCSEA là một phần của cuộc thử nghiệm tái chế rác thực phẩm do Thứ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore Grace Fu công bố trong cuộc thảo luận của Ủy ban Cung cấp nước năm 2015. Mục đích của cuộc thử nghiệm là để xác định những thử thách của việc thu gom và vận chuyển rác thực phẩm đến cơ sở xử lý, cũng như đánh giá khả năng kinh tế của dự án. Tuy nhiên, đến tháng 12 tới, Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) sẽ bắt đầu thử nghiệm tái chế thực phẩm thải tại một số nơi ở cấp độ địa phương. Tất cả rác thực phẩm này sẽ được thu gom và vận chuyển đến một cơ sở của Nhà máy cải tạo nguồn nước Ulu Pandan, để tạo ra năng lượng. Trường UWCSEA cũng sẽ kết hợp với NEA để phân loại rác thải thực phẩm hợp lý. Hiện trẻ nhỏ trong trường đã được dạy làm thế nào để phân loại rác thải hợp lý, biết đĩa để ở đâu, thực phẩm thừa để ở đâu…

Bên cạnh khu Dover của UWCSEA, các cơ sở khác như chợ Bukit Timah, Trung tâm Thực phẩm, Trung tâm bán sỉ Pasir Panjang, Bệnh viện Đại học Quốc gia và Trường Đại học Quốc gia Singapore cũng sẽ tham gia cuộc thử nghiệm, dự kiến kết thúc vào tháng 6-2018. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa của chương trình, Hội đồng Môi trường Singapore (SEC) cũng lưu ý đến số lượng thực phẩm tiếp tục bị thải mỗi năm. Ngay cả khi đất nước và con người Singapore vốn rất có ý thức với cuộc sống và môi trường.

Trong năm ngoái, đảo quốc này đã thải ra đến 785.500 tấn rác thực phẩm, tương đương mỗi người Singapore thải ra khoảng 142kg rác thực phẩm mỗi năm; tuy nhiên, chỉ có 13% trong số trên được tái tạo. Nếu thực phẩm còn sử dụng được, nên tái phân phối cho các tổ chức từ thiện. Đối với thức ăn không còn ăn được nữa thì mới đưa đi tái chế. Rất cần một hệ thống phân cấp này khi mà hiện nay rác thực phẩm đi thẳng vào “lò tái chế”. Còn nữa, thay vì tái chế, Singapore tập trung vào việc giảm rác thực phẩm từ nguồn. Mua những gì cần và chỉ nên lấy những gì ăn hết là kim chỉ nam cho cuộc chiến giảm rác thực phẩm, sao cho ai cũng hiểu chống lãng phí thực phẩm là trách nhiệm của mỗi cá nhân chứ không nên là nhiệm vụ của chính phủ.

Theo SGGP