Trong khi tỷ lệ người chết do đói, khát trên thế giới còn ở mức rất cao thì ở đâu đó quanh ta vẫn còn một số lượng lớn thực phẩm thừa, bỏ đi. Phật dạy: lãng phí thức ăn nước uống là tạo nghiệp lớn.

Ở bất cứ nhà hàng, quán ăn, một buổi tiệc lớn hay một bữa ăn nhỏ ngay tại gia đình, cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng thức ăn thừa bị bỏ đi. Có tới gần 90% người được khảo sát thừa nhận rằng họ lãng phí trung bình 2 đĩa thức ăn trong 1 tuần với các thành phần chính bao gồm cơm, thịt cá chín, rau củ quả. 

 Ở quê tôi, mỗi dịp tết đến là mỗi dịp con cháu từ khắp mọi miền tổ quốc được quây quần, tụ họp. Mẹ tôi lại tất bật đi chợ mua sắm đồ đạc, thực phẩm. Tủ lạnh, tử đá, tủ gỗ và cả một gian bếp nhỏ chật cứng rau củ, thịt cá, dưa hành…Với tư tưởng “mỗi năm chỉ có 1 lần con cháu về đông đủ, mọi thứ phải tươm tất, ăn uống phải đầy đủ”, thế là điệp khúc: sáng, trưa, tối mỗi buổi 2 mâm, mỗi mâm 15 món được dọn ra…Sau mỗi bữa ăn, tổng kết lại số thực phẩm thừa đến hơn nửa số dọn ra. Người ta luôn có lý do và không nhiều người cho rằng thói quen lãng phí thức ăn rất không hợp lý và quyết tâm thay đổi. Để rồi, quy trình bày biện – thừa – đổ cứ lặp lại.
Tại sao phải tiết kiệm thức ăn, nước uống?

Báo cáo mới nhất về “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới” ngày 13/7/2020 của Liên Hợp Quốc cho biết, trên hành tinh đang có khoảng 690 triệu người thiếu ăn. Đại dịch Covid-19 có thể đẩy thêm 130 triệu người khác rơi vào thiếu ăn kinh niên vào thời điểm đầu năm 2021 này. Chưa kể, có tới hơn ba tỷ trong số hơn 7 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh.

Ảnh: trẻ em châu phi gầy yếu do thiếu thức ăn và nước uống 

Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, ông José Graziano da Silva, nhận định: “gần một nửa số thực phẩm bị lãng phí trong các ngành công nghiệp”. Mỗi năm, thế giới lãng phí 1,3 triệu tấn thực phẩm. Trong khi mỗi ngày, cứ 7 người thì có một người bị đói và một năm có hơn 20 nghìn trẻ em dưới năm tuổi bị chết đói. Lãng phí thực phẩm không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà cả về khía cạnh môi trường và đạo đức.Ai cũng hiểu: nguồn tài nguyên thiên nhiên là có hạn. Chúng sẽ cạn kiệt nếu con người không biết sử dụng hợp lý.Nếu bạn chứng kiến những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm nên hạt thóc, cọng rau, củ hành…vất vả như thế nào thì bạn sẽ hiểu tại sao cần nâng niu và không để lãng phí thức ăn.


Ảnh: Người dân mưu sinh trong đống rác thực phẩm

Tôi có một chị bạn, chị làm giám đốc cho 1 công ty, kinh tế rất dư giả nhưng thực đơn mỗi bữa ăn của chị rất đơn giản, chỉ là vài miếng đậu phụ, đĩa rau và một vài quả trứng luộc. Mỗi lần chị e có dịp đi ăn hàng cùng nhau, chị rất tinh tế trong việc gọi món. Và đặc biệt, tôi chưa khi nào thấy chị để thừa bất cứ một loại thức ăn nào, chị trân trọng từ những thứ “nhỏ nhặt” và “tầm thường” nhất. Chị luôn nói với chúng tôi “để thừa thức ăn là có tội”. Với tôi, đấy là một cách nghĩ tiên tiến, một việc làm đáng để học hỏi. Tôi cũng đã từng đổ đi rất nhiều thức ăn và coi nó như một việc đương nhiên. Nhưng giờ đây tôi cũng hiểu, để có hạt gạo, miếng thức ăn, một cốc nước để uống là nhờ quá trình lao tác của rất nhiều người, sinh khí của trời đất. Chưa nói, kể cả mình có thừa tiền mua bất cứ món gì, mình không ăn hết, sao không dành cho người thiếu thốn. Ngoài kia biết bao người cần nó.
Giải pháp nào cho việc lãng phí thực phẩm?
 Trong Âm Luật Vô Tình của tác giả Thượng Quan Ngọc Hoa cũng đã nói về vấn đề báo ứng của việc lãng phí thức ăn.Phán Quan từng nói: Lãng phí thức ăn sẽ bị đọa địa ngục thọ báo. Mỗi người khi ăn một miếng thức ăn nào đều phải mang lòng biết ơn và xấu hổ mà thọ dụng, phải biết ơn trời đất sinh trưởng thức ăn, cảm ân sự cực khổ của nông phu, cảm ân sự dưỡng dục của cha mẹ, cảm ân sự tích lũy phước báo thức ăn qua nhiều kiếp của mình. Con người sinh tồn cần phải có thức ăn, không khí, nước và ánh sáng, những thứ này là nhân duyên bên ngoài; nếu không có những nhân duyên bên ngoài này thì nhân gian không có thức ăn tốt được. Đã có rất nhiều bài báo đề cập đến vấn nạn thừa thãi thực phẩm, sử dụng không hợp lý nguốn tài nguyên nước sạch nhưng xem ra số người tiếp cận nguồn thông tin chưa được nhiều và đầy đủ. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như: báo đài, báo mạng, truyền miệng thông qua các tổ chức xã hội… và giáo dục các thế hệ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường theo tôi là cần thiết. 

Hãy xem cách người Nhật giáo dục trẻ em và cách họ tiết kiệm thức ăn, nước uống để mà học hỏi, để mà tiết kiệm chi phí cho mỗi bữa ăn, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh và phồn thịnh.
 Ngừng lãng phí thức ăn còn là thói quen tốt nếu mọi đứa trẻ được học từ trong gia đình, nhà trường. Việc giáo dục cách đối xử với thực phẩm theo tôi cũng là một nhu cầu của con người hiện đại, để đánh thức ý niệm chia sẻ cho người khác, bảo vệ chính sức khỏe của mình. 

Nguồn:Ftec