Bắt đầu hoạt động và thí điểm tại TP.HCM từ năm 2018, FoodBank Viêt Nam hướng đến sẽ mở rộng khắp cả nước khi đã xây dựng được hệ thống và hợp tác với các đối tác chiến lược. Cung cấp suất ăn cho người đói và có nhu cầu, giảm thiểu số lượt người đói và chống lãng phí thực phẩm.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (FoodBank Việt Nam) cho biết, “Một khảo sát do Electrolux thực hiện trên quy mô 4.000 hộ gia đình trải dài trên 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm trong khu vực, chỉ xếp sau Trung Quốc”.
“Trước thực trạng này, FoodBank Việt Nam ra đời. Chúng tôi xây dựng FoodBank Việt Nam xuất phát điểm một dự án thiện nguyện với nhiệm vụ phân phát, hỗ trợ nguồn lương thực, thực phẩm cho người vô gia cư; trại trẻ mồ côi, người khuyết tật, đối tượng khó khăn ở miền núi, vùng sâu vùng xa… để giúp họ cải thiện bữa ăn, tiết kiệm được một phần chi phí trong cuộc sống và hỗ trợ các tổ chức tình nguyện khác trong các hoạt động nấu phát thức ăn tại bệnh viện, trung tâm, mái ấm”, ông Khởi cho biết.
FoodBank Việt Nam được sáng lập và vận hành bởi Công ty Cổ phần VTVCorp và Quỹ hỗ trợ từ thiện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Hiện nguồn thực phẩm cho những hoạt động ban đầu được hỗ trợ bởi Chuỗi cửa hàng thịt heo sạch Porkshop, Công tyTNHH DSF Việt Nam và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
Ông Khởi hy vọng trong thời gian không xa, mô hình này sẽ được nhiều đơn vị doanh nghiệp cung cấp thực phẩm khác cùng tham gia, nhân rộng khắp cả nước với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ông Chinoros Benjachavakul, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, đánh giá: “Đây là một dự án rất ý nghĩa, hướng đến việc giải quyết vấn đề thiếu nguồn thực phẩm ở những trung tâm, mái ấm nuôi dưỡng người yếu thế trong xã hội, xa hơn nữa đó là xây dựng ý thức trong cộng đồng về việc chống lãng phí thực phẩm và trách nhiệm của người trẻ hiện nay.”
“Có thể nói FoodBank Việt Nam chính là dự án bền vững nhằm điều phối nguồn lương thực, thực phẩm trong xã hội, tránh việc dư thừa thức ăn ở nhiều nơi nhưng lại thiếu thức ăn cho những nơi còn khó khăn, kém phát triển”, theo ông Chinoros Benjachavakul.
Hội thảo “Lãng phí thực phẩm và trách nhiệm của người trẻ” diễn ra tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM lần này là một trong các hoạt động chào đón FoodBank Global, cũng là dịp để các đối tác, doanh nghiệp, các đơn vị xã hội chia sẻ, đóng góp, nâng cao hiệu quả cho các hoạt động của FoodBank Việt Nam trong thời gian tới.
Từ đó, cùng nhau phòng chống lãng phí thực phẩm, hỗ trợ nguồn lương thực, thực phẩm cho người vô gia cư; trại trẻ mồ côi, người khuyết tật, đối tượng khó khăn ở miền núi, vùng sâu vùng xa… để giúp họ cải thiện bữa ăn, tiết kiệm được một phần chi phí trong cuộc sống và hỗ trợ hoạt động nấu phát thức ăn tại bệnh viện, trung tâm, mái ấm,…
Mô hình FoodBank đầu tiên được thành lập tại Mỹ năm 1967, từ đó đến nay mô hình này đã được nhân rộng tại nhiều nước như Úc, Đưc, Anh, Pháp, Singapore, HongKong.
Thông thường, FoodBank được xây dựng như một kho lưu trữ thực phẩm, các nguồn thực phẩm này được kêu gọi đóng góp và phần lớn được thu gom từ nguồn dư thừa trong xã hội nhưng vẫn trong tình trạng tốt để sử dụng. Thực phẩm từ kho FoodBank sẽ được chuyển đến những người cần dùng tại các cơ quan hoặc tổ chức phúc lợi.
Theo theleader.vn