Người Mỹ vứt bỏ hơn một phần ba số thực phẩm được sản xuất tại nước này mỗi năm – đủ để chất đầy 320.000 chiếc máy bay phản lực cỡ lớn – với hầu hết đi thẳng ra bãi rác.
Nhưng lượng rác thải này có thể được hạn chế rất nhiều nếu ta có thói quen mua sắm thông minh và lập kế hoạch tốt hơn cho bữa ăn, một số nhà nghiên cứu dinh dưỡng lập luận.
“Một gia đình người Mỹ trung bình vứt bỏ khoảng 10kg thực phẩm mỗi tháng, tương đương khoảng 190 USD bị ném vào thùng rác”, Katie Brown, giám đốc chiến lược dinh dưỡng toàn cầu tại Viện Dinh dưỡng và Quỹ Chế độ Ăn ở Chicago cho biết.
“Nhìn thực phẩm từ góc độ bãi rác chứ không phải từ góc độ dạ dày có thể giúp thay đổi thói quen mua sắm của chúng ta”, bà Brown nói thêm. “Điều này có thể bắt đầu từ việc gọi ít đồ ăn hơn khi đi ăn ngoài, đông lạnh chuối trước khi nó quá chín, hoặc thậm chí lên kế hoạch bữa ăn cho cả tuần để giúp cắt giảm chi phí và rác thải”.
Sự lãng phí có thể xảy ra ở mọi chỗ trong chuỗi thực phẩm của Hoa Kỳ, từ trang trại, chế biến, phân phối, bán buôn, bán lẻ, nhà hàng và bếp gia đình, bà Brown và đồng tác giả Chris Vogliano lưu ý trên tờJournal of the Academy of Nutrition and Dietetics.
Nhưng hầu hết sự lãng phí này xảy ra sau khi thực phẩm đã đến được thị trường, vì các nhà bán lẻ hoặc người tiêu dùng vứt bỏ.
Sản phẩm sữa và rau quả là những thực phẩm bị loại bỏ thường xuyên nhất, mỗi loại chiếm khoảng 19% rác thải thực phẩm. Tiếp đó là trái cây và ngũ cốc, cả hai đóng góp khoảng 14% rác thải, kế đến là đường và các chất tạo ngọt, chiến 13%, còn thịt, gia cầm và cá ở mức 12%.
Trước khi thực phẩm rời khỏi trang trại, những người nuôi trồng có thể giúp giảm rác thải bằng cách không sử dụng trong chăn nuôi bất kỳ sản phẩm nào không thích hợp cho con người tiêu thụ. Ủ phân ở trang trại cũng có thể giúp tránh rác thải ở bãi rác.
Khi thực phẩm đã từ trang trại tới được với nhà sản xuất và bán lẻ, việc bảo quản đúng cách và vận chuyển hiệu quả cũng giúp ngăn ngừa sự hư hỏng, giảm thiểu rác thải.
Khi chế biến thực phẩn, những phế phẩm không sử dụng, chẳng hạn như thân súp lơ, vỏ chanh và mỡ động vật đều có thể được tận dụng làm những thành phần trong các loại thực phẩm khác dành cho người và động vật. Những mảnh đầu thừa đuôi thẹo có thể sử dụng lại trong các thực phẩm chế biến sẵn khác bao gồm phần bỏ đi của nước dứa, lõi ngô, vỏ cam, lá bắp cải và ngọn cà rốt.
Các cửa hàng có thể giúp giải quyết vấn đề bằng cách mua ít hơn, quyên góp thực phẩm thừa và ủ phân. Các nhà bán lẻ cũng có thể hợp tác với nông dân để bán những sản phẩm không hoàn hảo hoặc không đẹp mắt với giá rẻ, nhờ đó chúng sẽ được tiêu thụ thay vì bị vứt bỏ.
Các siêu thị cũng có thể phối hợp với các nhà hàng và các đầu bếp trong vùng để tìm ra những cách sáng tạo để đưa thực phẩm thừa vào thực đơn. Thậm chí những sản phẩm trông xấu xí trên quầy vẫn có thể có hương vị tuyệt vời trong món súp, sinh tố hoặc đồ nướng.
Người tiêu dùng cần hiểu về việc ghi nhãn sản phẩm để không vứt bỏ thức ăn mà thực sự vẫn còn sử dụng được.
Khi bao bì sản phẩm ghi “sử dụng trước ngày” (use by) hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày” (best by) thì điều này cho thấy sản phẩm chưa mở sẽ có chất lượng tốt nhất trong bao lâu, nhưng nó vẫn có thể ăn được trong một thời gian nhất định sau đó, miễn là được bảo quản đúng cách.
Thuật ngữ “bán trước ngày” (sell by), thường được ghi trên các mặt hàng dễ hỏng như thịt và sữa, cho biết nhà bán lẻ có thể để món hàng trên kệ trong bao lâu, nhưng thường chúng vẫn an toàn để ăn trong một vài ngày sau thời hạn này chừng nào chúng còn được bảo quản tốt.
Với lượng thực phẩm khổng lồ bị lãng phí mỗi năm, việc tập trung vào bất kỳ cách nào trong số này cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
“Thực phẩm đang bị đối xử như một thứ hàng hóa dùng một lần, và chúng ta phải bắt đầu tạo ra sự liên kết giữa sức khỏe của con người, của hành tinh và của túi tiền chúng ta, ” bà Brown kết luận.
Theo Báo Dân Sinh