Những con số giật mình

Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), 1/3 số đồ ăn thức uống bị bỏ đi phí phạm trên thế giới hiện nay là do thói quen tiêu dùng chưa hợp lí của con người. Ngoài ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng báo động này cũng xảy ra ở khâu sản xuất, chế biến và phân phối ngoài thị trường. Hệ quả của nó không chỉ có việc lãng phí tiền của, công sức, hình thành nên những thói quen xấu trong xã hội mà còn bao gồm cả những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.


Số thức ăn bị vứt đi cũng tiêu tốn của mỗi gia đình ở các quốc gia phát triển từ 1.300-2.200USD mỗi năm (tương đương 27-46 triệu đồng). Ảnh: Internet

Dựa trên khái niệm của Liên minh châu Âu, lãng phí thực phẩm có nghĩa là “việc bỏ đi, không sử dụng bất cứ loại đồ ăn, thức uống nào dù còn sống hay đã nấu chín, một cách vô tình hay cố ý”. Tại các nước thu nhập thấp, sự lãng phí thức ăn xảy ra trong quá trình sản xuất còn ở những nước phát triển, hầu hết thức ăn bị phí phạm là do thói quen sử dụng của người tiêu dùng – con số này lên tới hơn 100kg/người mỗi năm.

Tại các quốc gia thuộc khu vực châu Âu điển hình như Anh và New Zealand, hàng ngày người dân mua về nhà lượng thực phẩm nhiều gấp đôi, gấp ba nhu cầu thực sự. Số thức ăn hết hạn bị vứt đi sau một thời gian không sử dụng cũng tiêu tốn của mỗi gia đình từ 1.300-2.200USD/năm (tương đương 27-46 triệu đồng). Một ví dụ về sự lãng phí trong khâu sản xuất, khoảng 30% số rau củ quả được thu hoạch trong ngày ở Anh đã bị các nhà vườn loại bỏ “thẳng tay” bởi chúng không đạt tiêu chuẩn mẫu mã, kích cỡ mà các siêu thị, cửa hàng yêu cầu. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra tại khu vực bắc Đại Tây Dương và Bắc Hải, mỗi năm có đến 40-60% lượng cá (khoảng 2,3 triệu tấn) bắt lên từ đại dương không được sử dụng do không đủ trọng lượng.

Hay những ví dụ thực tế dễ gặp trong đời sống xã hội, khoảng 24-35% các bữa ăn trưa hàng ngày của học sinh châu Âu đã bị bỏ thừa phí phạm. Các thực khách khi đến dùng bữa tại nhà hàng cũng để thừa lại gần 2/5 lượng đồ ăn trên đĩa của mình. Trong khi các nhà hàng lại ngày càng có xu hướng nấu nhiều thức ăn hơn nhu cầu của mỗi vị khách để thể hiện sự phong phú trong chế biến. Thực trạng các nhà hàng vẫn bỏ đi vô số các loại thực phẩm đã nấu hay còn chưa sử dụng sau mỗi ngày kinh doanh là điều thường thấy trong khoảng 30 năm trở lại đây.

Tác hại tới môi trường

Tại những quốc gia phát triển, 10% lượng khí nhà kính là do số đồ ăn bị vứt đi sản sinh ra. Cuộc điều tra của Ủy ban bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) về nền công nghiệp chế biến thực phẩm ở nước này – một trong những nơi tiêu thụ nhiều thức ăn nhất trên thế giới – đã chỉ ra những con số hết sức kinh ngạc. Hàng năm có đến 40% lượng thực phẩm ở Mỹ (khoảng 31 triệu tấn) không được sử dụng đúng mục đích vốn có mà lại “kết thúc số phận” ở các bãi rác thải. Số đồ ăn bị lãng phí mỗi năm ở quốc gia này có giá trị thực lên tới 165 tỉ USD đủ để nuôi sống cho 2 tỷ người thiếu ăn. Đồng thời trong một khía cạnh khác, lượng rác thải khổng lồ từ thực phẩm bỏ đi còn sản sinh ra 4,2 tấn khí CO2 , tương đương với 1/4 lượng khí thải của tất cả các xe ôtô tại Mỹ thải ra môi trường trong một năm. Tương tự, số thức ăn thừa ở Australia cũng “góp phần” 23% khí nhà kính gây ô nhiễm tại quốc gia này.

Trong khi đó, để cung cấp thịt và các sản phẩm từ bơ sữa cho thị trường Anh và Mỹ, nông dân đã phải khai thác khoảng 8,3 triệu ha đất để chăn nuôi gia súc. Diện tích này còn lớn hơn gấp 7 lần diện tích rừng Amazon ở Brazil bị tàn phá mỗi năm để lấy đất chăn nuôi, trồng trọt.

Tận dụng thực phẩm bị lãng phí

Thực phẩm bị bỏ đi chiếm 18%, đứng thứ hai trong danh sách các loại rác thải hàng ngày tại một số quốc gia châu Âu. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu chỉ đơn thuần đem vứt bỏ chúng ở các bãi rác sẽ không những gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí một nguồn “tài nguyên” quý giá. Sau khi được chôn xuống đất, nhờ sự hoạt động của các loại vi khuẩn, loại rác này sẽ biến thành phân bón tự nhiên và giải phóng ra khí mêtan, một loại khí được sử dụng nhiều trong công nghiệp.

Hay như sau khi sơ chế, rác thải từ đồ ăn bỏ đi có thể trở thành thức ăn chăn nuôi gia súc. Biện pháp xử lí tưởng chừng như đơn giản này lại giúp giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường hiệu quả hơn gấp 500 lần so với việc đem rác tới các lò ủ để lấy khí mêtan. Tuy nhiên luật pháp tại các nước châu Âu lại không cho phép sử dụng thức ăn bỏ đi để nuôi gia súc. Việc này được áp dụng nhiều hơn tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Trong phạm vi gia đình, các bà nội trợ có thể hạn chế lãng phí thức ăn bằng cách tính toán kĩ trước khi mua sắm hoặc nấu nướng, và luôn chú ý đến hạn sử dụng của đồ ăn với ghi nhớ “lãng phí thức ăn cũng là lãng phí tiền bạc”.

Theo báo Tin Tức