Năm 2016, khi Nguyễn Tuấn Khởi bắt đầu mô hình Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam), chẳng ai hiểu anh cùng cộng sự đang làm gì. Thế nhưng, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, khi thực phẩm được ví là quý hơn vàng, cộng đồng mới thấu hiểu vai trò của tổ chức phi lợi nhuận này. Lúc “ai ở đâu ở yên đó”, Food Bank Việt Nam duy trì cả chục dự án đưa thực phẩm, bữa ăn đến người cần và hỗ trợ bà con nông dân “giải cứu” nông sản.
Từ hỗ trợ người nghèo…
Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Food Share hay được mọi người gọi là “người đàn ông 0 đồng”. Từ ngày Food Bank Việt Nam ra đời đến nay, anh cùng cộng sự đã triển khai hàng chục dự án miễn phí hướng đến việc chia sẻ thực phẩm cho người yếu thế, lao động khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. “Nhà hàng dã chiến”, “Bếp yêu thương”, “Tủ lạnh cộng đồng”, “Xe di động phát cơm miễn phí”, “Siêu thị chia sẻ”… là những tên gọi khiến nhiều người ấm lòng mỗi khi nhìn lại hành trình Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước oằn mình chống dịch. Vào thời điểm mọi người hạn chế ra ngoài vì ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Khởi và các thành viên Food Bank Việt Nam chọn xa gia đình, túc trực ngày đêm tại các điểm triển khai dự án vì biết rằng, ngoài kia còn rất nhiều mảnh đời khó khăn đang đợi sự hỗ trợ, sẻ chia.
Khi dịch bệnh bủa vây thành phố, nhu cầu cơ bản của người dân như bữa cơm đầy đủ rau thịt trở thành điều nan giải. Nhìn từng hàng người với gương mặt lo lắng đứng đợi trước vị trí triển khai dự án “Bếp yêu thương” và “Tủ lạnh cộng đồng” trong thời điểm ấy, anh Khởi biết cần phải vận động thêm nhiều nguồn lực, chuẩn bị các kế hoạch dự phòng. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, mỗi ngày, Food Bank Việt Nam thu nhận thực phẩm từ các nguồn rồi phân loại, chế biến và tiến hành trao tận nhà cho người lao động khó khăn cùng các mái ấm, nhà mở.
Food Bank Việt Nam nhanh chóng kết nối mạng lưới, bắt đầu dự trữ nguồn thực phẩm lớn tại các kho để chủ động hơn trong việc phân phát đến nơi cần và duy trì các bếp ăn dã chiến phục vụ hàng nghìn người mỗi ngày. Giãn cách xã hội, việc vận chuyển hàng hóa từ các vùng nguyên liệu về Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng khó khăn khiến nông dân “khóc ròng” vì rau củ đến lúc thu hoạch đành ngậm ngùi bỏ phí. Ngay thời điểm đó, anh Khởi và cộng sự triển khai dự án “Farm to Food Bank” thông qua việc vận động mọi nguồn lực trong xã hội để đưa thực phẩm từ các nơi về thành phố bán giá gốc cho người dân và hỗ trợ người yếu thế. Các dự án lúc bấy giờ hoạt động hết công suất và ai cũng mong giai đoạn mỏi mệt ấy sẽ chóng qua. “Chuẩn bị kỹ càng là vậy nhưng vì giãn cách xã hội kéo dài, số lượng người cần hỗ trợ quá lớn trong khi nhân lực của Food Bank Việt Nam còn hạn chế, có giai đoạn chúng tôi kiệt sức, đứng trước nguy cơ bỏ cuộc. Cùng lúc vận hành quá nhiều dự án trong thời gian kéo dài với quá nhiều thứ phát sinh, thật sự có lúc chúng tôi bối rối. Vậy mà khi nhận lại ánh mắt biết ơn của người chỉ nhận vỏn vẹn một suất cơm nóng hay tin nhắn động viên từ đối tác, sự chung tay của cộng đồng, chúng tôi quyết định không dừng lại”, anh Khởi kể chuyện cách đây ba năm.
Các dự án do Food Bank Việt Nam triển khai luôn hướng đến tinh thần sẻ chia trong cộng đồng.
Ngày vô tình biết đến bếp yêu thương và tủ lạnh cộng đồng của Food Bank Việt Nam, như bao người, anh Nguyễn Đình Thắng nhẫn nại xếp hàng đợi đến lượt nhận thực phẩm hỗ trợ. Thế nhưng, số người đến trước quá đông, hôm ấy, anh Thắng đành thui thủi đi quay về phòng trọ đợi đợt khác. Thấy có số điện thoại tại điểm hỗ trợ, anh thử nhắn tin nhờ giúp đỡ. “Không ngờ lúc đó anh Khởi gọi điện cho tôi hỏi thăm tình hình và hỗ trợ nhu yếu phẩm, rau củ tận nhà. Vợ chồng tôi và hai con rất biết ơn túi quà ngày ấy vì nó giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tôi tìm đến hỗ trợ bếp ăn cộng đồng của anh Khởi vì muốn đáp trả ân tình. Biết tôi thất nghiệp, anh Khởi rủ về hỗ trợ kho thực phẩm cộng đồng của Food Bank Việt Nam trong mùa dịch, tôi lập tức gật đầu. Hiện tại, tôi là nhân viên của tổ chức, ngày ngày cùng mọi người thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng”, anh Thắng chia sẻ.
… đến chống lãng phí thực phẩm trong cộng đồng
Dự lễ ra mắt Kho thực phẩm cộng đồng thứ 9 tại Việt Nam vừa tổ chức cuối tuần qua ở Thanh Hóa, chị Nguyễn Hoàng Trúc Linh, Giám đốc điều hành Food Bank Việt Nam cùng mọi người không quên nhắc lại những ngày dài chung tay chống dịch. Thời điểm các dự án hoạt động vượt quá công suất dự kiến, chị Linh vẫn không thôi trăn trở “Làm cách nào để ai khó đều được giúp đỡ kịp thời? Làm thế nào các dự án vận hành ổn định với nhân lực ngày càng ít do dịch bệnh?”. Cực nhất là giai đoạn triển khai mô hình siêu thị sẻ chia “Food share market” do số lượng thực phẩm nhận từ các nơi mỗi ngày rất lớn trong khi các dự án còn lại vẫn phải duy trì vì nhu cầu thực tế không ngừng tăng. Quá tải công việc, Food Bank Việt Nam chọn thay đổi quy cách hoạt động để hiệu quả hơn.
Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Food Bank Việt Nam mở rộng mạng lưới hoạt động và triển khai thêm nhiều dự án mới theo định hướng phát triển “xanh hóa” mà vẫn bảo đảm hai nhiệm vụ chính là cung cấp thực phẩm miễn phí cho người yếu thế và thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm. Ngoài kho thực phẩm cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, mạng lưới Food Bank Việt Nam đã mở rộng và phát triển thêm tám kho thực phẩm cộng đồng địa phương trên toàn quốc như Hà Nội, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Bình… Trong năm 2024, kế hoạch của Food Bank Việt Nam là phát triển và mở rộng thêm 12 kho thực phẩm cộng đồng trên phạm vi cả nước, đặc biệt chú ý mở rộng tại khu vực miền bắc, Tây Nguyên, vùng cao, nơi nhiều bà con thật sự thiếu thốn thực phẩm cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.
Anh Khởi cho biết, trong giai đoạn tới, Food Bank Việt Nam tập trung cho các chương trình nâng cao nhận thức về cân bằng thực phẩm, tăng tính sẻ chia chủ động trong cộng đồng. Theo đó, bên cạnh việc duy trì nguồn “thực phẩm sẻ chia” cho người già neo đơn, trẻ mồ côi tại hơn 600 mái ấm, nhà mở như hiện nay, loại hình “thực phẩm phát triển” sẽ được đẩy mạnh thông qua nền tảng công nghệ được tích hợp trên ứng dụng Foodshare.vn. Đây là dự án được triển khai nhằm tăng tính kết nối giữa các nhà cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên toàn quốc với người tiêu dùng thu nhập thấp để tạo nên nguồn hàng giá gốc, giá rẻ, vừa giúp tránh lãng phí hàng hóa, vừa tiết kiệm chi tiêu cho người dân. Như vậy, các kho thực phẩm cộng đồng sẽ được bổ sung thêm hình thức mới trên nền tảng số giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm sẻ chia hay thực phẩm giảm giá.
Từ dự án xã hội phát triển mô hình thực phẩm cộng đồng, đưa thực phẩm đến với người khó khăn theo hệ thống bài bản và chống lãng phí thực phẩm, chỉ sau hai năm triển khai, Food Bank Việt Nam đã trở thành thành viên của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm toàn cầu với hơn 50 quốc gia thành viên trên thế giới. Với sự cố vấn của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm toàn cầu, từ năm 2018 đến nay, Food Bank Việt Nam đã tiếp cận và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thực phẩm tại hơn 40 tỉnh, thành phố, phục vụ trực tiếp hơn 6 triệu người. Ngoài ra, Food Bank Việt Nam còn hỗ trợ tận nơi khoảng 18 triệu ký thực phẩm cùng hơn 15 triệu bữa ăn và rất nhiều dự án xã hội thiết thực khác. Thời gian tới, tổ chức này sẽ tập trung vào việc nâng cao và phát triển năng lực của từng địa phương có kho thực phẩm cộng đồng nhằm giúp các nơi phát huy thế mạnh hiện có, biết cách chủ động triển khai nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ. “Điều chúng tôi mong muốn nhất là Việt Nam sớm thành lập Hiệp hội chống lãng phí thực phẩm, kèm theo đó là những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này để hạn chế tình trạng nơi lãng phí thức ăn tràn lan, chỗ thiếu thốn thực phẩm. Cùng với việc tăng cường các giải pháp, áp dụng công nghệ để giúp giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản, chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh hướng đến tiêu chí phát triển bền vững”, bà Linh cho biết thêm.
Theo nhandan.vn