“Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Câu ngạn ngữ ấy đúng ở nhiều trường hợp, trong đó có vấn đề ứng xử với thực phẩm.

Giải quyết được vấn đề lãng phí thực phẩm sẽ góp phần tạo lối sống tốt, bảo vệ được môi trường và các nguồn tài nguyên. Các nỗ lực nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người nhận thức được vấn đề.

Quan trọng là ý thức

Theo chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật, giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, ăn uống là phạm trù thuộc văn hóa vật chất. Trong văn hóa này, người Việt có cách hành xử “chưa giàu đã xài hoang”.

Có nhiều yếu tố dẫn đến hành vi ấy. Trong đó, nguyên nhân đáng kể là sự giáo dục của gia đình chưa giúp trẻ hình thành được tính tiết kiệm và không hiểu về hệ quả của lãng phí thực phẩm. Ngoài ra, vì sĩ diện hoặc cá nhân chưa có được kỹ năng ứng xử khi tham gia dự tiệc dẫn đến hành vi lấy quá nhiều đồ ăn nhưng lại không dùng hết; trong khi tiếp khách, do tâm lý sợ thiếu nên mua sắm không cân nhắc…

Hậu quả dễ thấy là hao phí tiền bạc. Mỗi ngày lượng đồ ăn thừa bỏ đi nhiều dẫn đến lượng rác thải ra ngoài môi trường tăng theo, tạo ra nhiều gánh nặng cho công tác xử lý rác thải.

“Về đạo đức, hành vi quá phung phí thực phẩm cho thấy đâu đó có sự ích kỷ, vô tâm. Cá nhân giữ thói quen phung phí thực phẩm sẽ khó thích nghi khi vào môi trường mới, dễ bị mọi người đánh giá là kém tinh tế khi tham gia các bữa tiệc” – ông Bùi Quang Minh Nhật nói.

Cũng theo ông Bùi Quang Minh Nhật, việc tiết kiệm thực phẩm không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn thể hiện sự sâu sắc của cá nhân khi nghĩ đến những mảnh đời khác đang thiếu thốn và khó khăn về cái ăn. Do vậy, khi tham gia bữa tiệc, cần khéo léo, chỉ lấy đủ thức ăn cần và dùng hết; tránh việc lấy quá nhiều. Nếu sau buổi tiệc mà đồ ăn trên bàn còn dư thừa quá nhiều, có thể đề nghị nhà hàng, chủ tiệc cho phép đem về dùng hoặc chia sẻ cho người khác. Nhiều người sẽ cho rằng như vậy là “kém sang” nhưng những người hiểu biết sẽ nhìn thấy được giá trị đằng sau hành động này.

Cha mẹ cần dạy con trẻ về tính tiết kiệm ngay trong chính ngôi nhà của mình qua những bữa cơm nhà. Hoặc có thể cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng về dùng tiệc. Với người lớn, rất khó để thay đổi thói quen nhưng ngay từ bây giờ, nếu kiên trì thực hành, chúng ta sẽ làm được. Nếu thấy hành vi không đẹp mắt như lấy quá nhiều đồ ăn, bỏ thức ăn thừa…, chúng ta có thể nhắc nhở nhẹ. Các nhà hàng cũng có thể chủ động treo bảng khuyến cáo thực khách.

Người Việt quá lãng phí thực phẩm!: Đến lúc phải thay đổi thói quen - Ảnh 1.
Các thành viên của Hanoi Food Recuse giao thực phẩm cho trẻ em có hoàn cảnh có khăn ở Hà NộiẢnh: Thảo Linh

Cần luật hóa

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang thì cho rằng có nhiều người đánh đồng thói quen tiết kiệm là keo kiệt; nhiều người khác bị ám ảnh bởi quá khứ khó khăn. Cũng có những nhà hàng thường khuyến khích thực khách gọi nhiều món, dẫn đến thức ăn bị “biến thành rác” nhiều hơn.

Hậu quả là gây tốn kém cho gia đình, là nguồn cơn có thể gây thiếu hụt thức ăn trong tương lai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Lãng phí cũng dẫn đến tốn kém cho những chi phí sản xuất, nhiên liệu trong quá trình vận chuyển.

Pháp là nước đầu tiên ra lệnh cấm các siêu thị ném, bỏ đồ ăn. Ở quốc gia này, thực phẩm thừa sẽ được siêu thị quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc ngân hàng thực phẩm để nấu cho người nghèo.

Còn tại Trung Quốc, nước này cũng đã thông qua Luật Chống lãng phí thực phẩm nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định cho khoảng 1,4 tỉ dân, chống lại các hành vi ăn uống xa xỉ, thừa thãi vốn bén rễ trong đời sống.

“Để thay đổi, chúng ta cần thay đổi nhận thức từ gốc, luật hóa hành vi lãng phí thức ăn. Truyền thông, cộng đồng cần phản đối mạnh sự lãng phí đó. Thay vì những bữa tiệc ngập tràn món ăn, cần thực hành thói quen ăn uống tiết kiệm và vừa đủ, tận dụng thức ăn thừa…” – bà Nguyễn Thị Phương Trang nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Thị Phương Trang, thói quen tiết kiệm thật không thể thay đổi một sớm một chiều. Để khắc phục, từ hôm nay, khi ăn tiệc chúng ta cần biết kiểm soát khẩu phần như không lấy đồ ăn nhiều. Với những thực phẩm còn lại, hãy bảo quản và chế biến thành món mới để dùng cho lần sau. Đồng thời, cần cắt giảm chi phí, chỉ mua khi thật sự cần thiết và biết lên kế hoạch. Tránh mua quá nhiều, vì khi lưu trữ thực phẩm không đúng cách sẽ gây hư hỏng. 

Theo ông Bùi Quang Minh Nhật, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người, sống trong xã hội văn minh chúng ta cần cách hành xử văn minh.

Theo Báo Người Lao Động