Trong nhiều năm qua, Starbucks đã hợp tác chặt chẽ với The Global FoodBanking Network (GFN) nhằm thúc đẩy an ninh lương thực trong cộng đồng người khó khăn tiếp cận về thực phẩm dinh dưỡng và giảm lãng phí thực phẩm trên phạm vi toàn cầu. 

Thông qua quan hệ đối tác này, Starbucks đã kết nối với nhiều ngân hàng thực phẩm tại các quốc gia khác nhau, đóng góp hàng triệu suất ăn cho những người có nhu cầu. Bằng việc tận dụng nguồn thực phẩm dư thừa từ các cửa hàng, Starbucks không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí mà còn đóng góp vào các chương trình hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả, giảm thiểu CO2 ra môi trường từ các nguyên liệu tái chế xanh.

Với khoản tài trợ cho GFN, Starbucks sẽ hỗ trợ mở rộng năng lực của các ngân hàng thực phẩm tại các quốc gia trọng điểm gồm Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là tăng cường hoạt động cứu trợ lương thực, nâng cao khả năng thu hồi thực phẩm và giảm thiểu lãng phí thực phẩm.

Đặc biệt, trong tháng 4/2025, nhân dịp kỷ niệm 15 năm “Month of Good” (Tháng Thiện Nguyện), nhân viên Starbucks tại 50 thị trường trên toàn cầu sẽ tham gia tình nguyện tại các tổ chức cứu trợ lương thực địa phương. Để hỗ trợ hành động của các nhân viên, Starbucks cam kết đóng góp 7 triệu bữa ăn thông qua The Global FoodBanking Network.

Quan hệ đối tác này ghi nhận các giá trị chung của GFN và Starbucks: nuôi dưỡng những người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực; chống thất thoát và lãng phí lương thực cùng những tác động ăn mòn môi trường của nó; và củng cố cộng đồng bằng cách lấp đầy khoảng trống trong các hệ thống thực phẩm địa phương và hỗ trợ các ngân hàng thực phẩm giải quyết nạn đói.

“Chúng tôi vô cùng vui mừng khi được hợp tác với Starbucks, một công ty có tính sáng tạo cao đã định hình lại ngành dịch vụ thực phẩm và cà phê, đang chứng minh vai trò lãnh đạo của mình trong việc giảm nạn đói và giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Vào thời điểm mà việc giải quyết nạn đói toàn cầu đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, quan hệ đối tác này có thể đóng vai trò là mô hình hợp tác giữa các công ty với các ngân hàng thực phẩm”, Lisa Moon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của The Global FoodBanking Network cho biết. 

“Sự hỗ trợ của Starbucks sẽ thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả của các ngân hàng thực phẩm, cho phép họ thu hồi nhiều thực phẩm hơn, chuyển giao cho những người có nhu cầu và bảo vệ hành tinh của chúng ta”.

Các chương trình cứu trợ thực phẩm của Starbucks hoạt động tại hơn 30 thị trường toàn cầu và đã hợp tác với một số thành viên của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Toàn cầu, bao gồm SOS Thái Lan và Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (The Vietnam Foodbanking Network), cũng như với Feeding America (hoạt động tại Hoa Kỳ).

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Starbucks và Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam

Starbucks và Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (VFN) đã ký kết hợp tác chiến lược từ năm 2023, mở ra mối quan hệ lâu dài nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về an ninh lương thực, giảm lãng phí thực phẩm, và phát triển bền vững tại Việt Nam. Sự hợp tác này không chỉ tập trung vào việc cung cấp thực phẩm cho cộng đồng mà còn bao gồm các sáng kiến giáo dục, hỗ trợ sinh kế và bảo vệ môi trường.

Hai bên đã triển khai mạnh mẽ trong nhiều dự án tạo tác động thực tiễn đến cộng đồng, bao gồm các hoạt động thu hồi thực phẩm, hỗ trợ các mô hình nông nghiệp bền vững và nâng cao nhận thức về vấn đề lãng phí thực phẩm. Thông qua đó, các sáng kiến góp phần giảm bớt gánh nặng cho những gia đình khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tự chủ tại các cộng đồng địa phương phục hồi sau ảnh hưởng bởi thiên tai.

Một trong những dự án đáng chú ý là việc thu hồi thực phẩm dư thừa từ các cửa hàng Starbucks tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau đó phân phối cho các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội và các tổ chức cộng đồng. Đặc biệt, chương trình này đã giúp giảm thiểu đáng kể lượng thực phẩm bị vứt bỏ, lồng ghép vào các hoạt động Bếp Yêu thương – chế biến suất ăn, đồng thời cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ trên đường phố và tại các cơ sở thụ hưởng trên địa bàn.

Ngoài ra, Starbucks và VFN cũng đẩy mạnh các sáng kiến tái chế, tiêu biểu như hoạt động thu hồi bã trà, bã cà phê từ các cửa hàng kinh doanh Starbucks để tái chế thành phân bón hữu cơ, cung cấp cho các vườn thực phẩm cộng đồng. Sáng kiến này không chỉ giảm thiểu phát thải khí CO2 từ rác thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy các chương trình Vườn thực phẩm cộng đồng, nuôi dưỡng dinh dưỡng cho đất trồng và thu hoạch sản phẩm rau củ xanh tái hỗ trợ cho người có nhu cầu trong cuộc sống.

Trong thời gian tới, hai bên cam kết sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển các chương trình nhằm tạo ra một tác động lâu dài và mạnh mẽ hơn cho cộng đồng và môi trường tại Việt Nam. Với sự chung tay của Starbucks, The Global FoodBanking Network và Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam, những sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân trong việc xây dựng một xã hội có trách nhiệm hơn về sử dụng thực phẩm và tạo ra những giá trị bền vững lâu dài cho cộng đồng.

Nguồn: Tổng hợp