Bữa cơm thân mật cuối năm, những phần quà thiết thực, cặp bánh chưng, bánh tét đã mang chút hương vị ấm áp ngày xuân đến với những người xa quê không kịp về sum vầy hay các hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện mua sắm Tết. Tết ấm hơn nhờ sự sẻ chia, đồng cảm ấy.
Tết của người ở lại
Mười năm từ miền Tây lên TPHCM làm công nhân, đây là năm đầu tiên vợ chồng chị Nguyễn Thị Chi ăn Tết xa quê. Mấy bữa nay cậu con trai cứ gọi điện hỏi thăm ba mẹ suốt khiến chị Chi càng thêm nhớ nhà, thương con cháu. Nhà không xa nhưng kinh tế quá eo hẹp, vợ chồng chị không dám về, sợ nợ cứ chồng nợ. Chị Chi mới tìm được công việc khoảng một tháng nên không có thưởng Tết. Bốn triệu đồng tiền thưởng tết của chồng chị dùng để trả bớt tiền nhà trọ còn nợ từ lúc dịch COVID-19 nhưng vẫn còn thiếu 2 tháng.
Nhưng hoàn cảnh của vợ chồng chị Chi không phải là hiếm. Khu xóm trọ tại quận 8, TPHCM nơi vợ chồng chị Chi thuê ở 10 năm nay có gần 200 công nhân, mọi năm, từ sau 25 tháng Chạp là vắng hoe nhưng năm nay, Tết đến mà nhiều phòng vẫn sáng đèn, tiếng nhạc xuân vang ra từ chiếc loa điện thoại rè rè.
Ngồi ngay cửa phòng nhìn hình con, cháu trong điện thoại, chị Chi thở dài: “Muốn lắm nhưng tiền đâu mà về. Năm rồi khó khăn quá, mình về lại phiền con cháu vì gia đình dưới đó cũng làm mướn có dư dả gì đâu. Thôi ráng ở lại, lúc nào có tiền về sau. May mà ở đây chủ trọ và nhiều người thương nên cũng có quà Tết, thấy an ủi phần nào”.
Mấy ngày giáp Tết, con gái chủ khu trọ này là chị Phạm Thị Mỹ Châu cùng gia đình tất bật lo cho bữa cơm tất niên ở khu trọ thật ấm cúng để các anh, chị công nhân không đủ điều kiện về quê cảm thấy ấm lòng. Giảm tiền phòng, lì xì tết cho người lớn và trẻ con, tặng nhu yếu phẩm là cách mà gia đình chị Châu chọn để chia sẻ hương vị mùa xuân đến người thuê trọ. Với những trường hợp khó khăn đặc biệt hay ốm đau đột xuất, gia đình chị sẽ hỗ trợ thêm sao cho không ai phải cô đơn giữa thành phố những ngày cuối năm. Chị Châu nói, xóm trọ là gia đình lớn, vậy nên cũng phải quây quần, chia sẻ cùng nhau thì Tết mới trọn vẹn nghĩa tình.
Quê tận Quảng Ngãi, năm nay, chị Nguyễn Thị Tường Vy (công nhân Công ty may Bình Minh, quận Bình Thạnh) cũng ở lại TPHCM đón Tết như nhiều người khác trong khu trọ. Vậy nên, khi được mời tham gia chương trình “Tết sum vầy – Xuân tri ân” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh phối hợp với Liên đoàn Lao động quận tổ chức, chị Vy thấy lòng vui lắm. Tại ngày “Tết sớm” này, chị Vy cùng 200 nữ công nhân không đủ điều kiện về quê được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa mừng xuân.
Ở gian hàng “Thương lắm áo dài ơi”, nữ công nhân nào cũng có thể tự tay lựa cho mình bộ trang phục truyền thống “0 đồng” thật đẹp để mặc du xuân. Kế đó, gian hàng “Làm đẹp ngày xuân” có dịch vụ cắt tóc, làm móng, trang điểm miễn phí cho các nữ công nhân. Những ai muốn ăn những món bánh mứt quen thuộc ngày tết thì ghé gian hàng “Chào xuân mới” thưởng thức, trò chuyện cùng bạn mới.
“Rồi mình sẽ về quê, còn giờ cứ tận hưởng niềm vui ở đây trước đã. Với mình, năm qua không thất nghiệp đã là điều may mắn vì rất nhiều công nhân chẳng còn việc làm. Mong mọi người năm mới sẽ đỡ vất vả hơn, khỏe mạnh hơn. Tụi mình ở lại và nhận được rất nhiều sự quan tâm nên không cô đơn đâu”, chị Vy vui vẻ cho hay.
Lan tỏa sự sẻ chia
Ngoài chương trình “Tết sớm”, năm nay, Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng đoàn viên, người lao động khó khăn, nhất là những trường hợp đón Tết xa quê. “Ngày hội công nhân – vui xuân đón Tết”, “Phiên chợ nghĩa tình – Tết đoàn viên”,”Tết sum vầy” là ba trong chuỗi hoạt động những ngày cuối năm của tổ chức này với mong muốn san sẻ khó khăn, tạo thêm niềm vui cho công nhân, người lao động nghèo.
Xuân Quý Mão 2023, Liên đoàn Lao động TPHCM chi khoảng 140 tỷ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động với các chương trình, hoạt động từ cơ sở đến thành phố. Trong đó, tập trung lo cho những đối tượng công nhân, người lao động giảm thu nhập hoặc mất việc giai đoạn cuối năm. Với phương châm “Không để ai không có Tết”, đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết việc rà soát đối tượng, tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà tại các khu nhà trọ, khu lưu trú sẽ tiếp tục được thực hiện trong những ngày Tết.
Ngân hàng thực phẩm Việt Nam dành tặng “Bữa ăn ngày Tết – Ấm lòng người khó khăn” đến 100 người khó khăn trong ngày cuối năm 2022 – Ảnh: VGP/Khởi Minh
Bên cạnh các ban, ngành, đoàn thể, dịp cuối năm, nhiều tổ chức từ thiện và nhóm thiện nguyện đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ người nghèo đón xuân. Mới đây, Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank – tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp thực phẩm miễn phí cho người yếu thế và thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm) đã tổ chức chương trình “Xuân gắn kết – Tết sẻ chia” dành cho người khó khăn tại TPHCM. Chương trình bắt đầu bằng hoạt động thăm hỏi, giao lưu, tặng quà và chúc Tết cho các đối tượng khó khăn đang sinh sống và học tập tại các mái ấm, nhà dưỡng lão, trường tình thương. Cùng với đó là chương trình gói bánh chưng, bánh tét, nấu 300 suất cháo khuya, trao tặng cho người khó khăn, người vô gia cư, lang thang, cơ nhỡ và bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Food Bank còn phối hợp cùng dự án Bếp yêu Thương – The Love Kitchen làm tiệc tất niên ấm cúng “Bữa ăn ngày Tết – Ấm lòng người khó khăn” dành tặng 100 người không có điều kiện về quê đón tết. “Chúng tôi dành khoảng không gian nhỏ trước kho lưu trữ thực phẩm của Food Bank để tổ chức bữa tất niên ấm cúng. Nhân viên và các tình nguyện viên đến từ sớm, cùng nhau chế biến 100 suất ăn, trong đó có các món ăn quen thuộc ngày Tết như bánh tét, thịt kho hột vịt, canh khổ qua… mời mọi người dùng bữa. Ngoài ra còn có chương trình giao lưu văn nghệ, hát karaoke tạo cho mọi người không khí sum vầy và trao tặng những phần quà thiết thực”, bà Nguyễn Hoàng Trúc Linh, Giám đốc vận hành Food Bank chia sẻ.
Ba nhóm thiện nguyện là Flying Heart, Đêm Sài Gòn và Trồng một nụ cười cũng kết thúc năm cũ bằng chương trình gói và tặng 2.000 bánh chưng đến các mái ấm, người vô gia cư và bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện ở TPHCM. Hơn 100 người xa lạ hẹn nhau cùng tập trung tại một con hẻm ở quận Bình Thạnh rồi làm lá, chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, gói bánh trong hai ngày trước khi “gửi Tết” đến những người kém may.
Theo chị Trần Huyền Trang, thành viên nhóm Flying Heart cho biết, mọi năm nhóm đều gửi tặng bánh sữa, lì xì Tết nhưng năm nay muốn tạo không khí ấm áp nên nghĩ ra việc gói bánh chưng. Ngay khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, rất đông tình nguyện viên hào hứng tham gia. Chị Trang cho hay: “Các thành viên tham gia dự án lần này muốn mọi người cảm nhận rõ hương vị ngày Tết. Với chúng ta, cặp bánh chưng, đòn bánh tét là món khá bình thường nhưng với những người khó khăn, người vô gia cư, đó đôi khi là điều xa vời. Vậy nên, tụi mình cùng nhau gói và gửi tặng hương vị tết đến họ kèm lời chúc năm mới bình an”.
Tết xa nhà, tết nghèo trở nên ấm áp khi những người không đủ điều kiện về quê sum họp hay những người còn lang thang đây đó ngày xuân nhận được lời thăm hỏi, động viên cùng phần quà nghĩa tình. Tết sẻ chia giúp mọi người đến gần nhau hơn./.
Theo tphcm.chinhphu.vn