Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, trong nỗ lực giảm lượng rác thải thực phẩm tăng lên cùng với sự phục hồi của ngành du lịch, Hiệp hội Người tiêu dùng Hữu cơ Thái Lan (TOCA) đang hợp tác với các khách sạn ở tỉnh đảo Phuket để khởi xướng một hệ thống ủ phân từ rác thải thực phẩm, phù hợp với Mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) của chính phủ.
Theo một nghiên cứu của cơ quan lương thực của Liên hợp quốc, khoảng 30% tổng số thực phẩm được sản xuất cho con người trên thế giới bị lãng phí.
Vấn đề mà hầu hết mọi người không nhận thấy là những tác động to lớn mà tất cả rác thải đó gây ra đối với biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và sức khỏe con người.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng nếu chất thải thực phẩm bị chôn lấp và thối rữa, nó sẽ tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính (GHG) và cũng có thể lây lan virus và bệnh tật.
Ông Arrut Navaraj, người sáng lập và chủ tịch TOCA, cho biết hiện tại họ đã phát triển một hệ sinh thái dựa trên chuỗi khối kết nối người tiêu dùng bao gồm khách du lịch, nhà hàng và khách sạn với mạng lưới nông dân hữu cơ được chứng nhận trên khắp đất nước, đáp ứng các thông lệ tốt nhất về thực phẩm và tính bền vững, TOCA đang hướng tới mở rộng nền tảng thương mại điện tử của mình để xử lý chất thải thực phẩm sẽ được ủ để trở thành phân bón hữu cơ cho nông dân.
TOCA hiện đang làm việc với Hiệp hội Khách sạn Phuket (PHA) để thực hiện một dự án thí điểm khuyến khích các khách sạn biến chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ chất lượng cao.
TOCA sẽ khuyến khích các khách sạn lắp đặt máy hủy chất thải thực phẩm do đối tác Bang Krachao Farm phát triển. Chất thải có thể dễ dàng được phân hủy để tạo ra phân hữu cơ với mức tiêu thụ năng lượng thấp.
Các khách sạn có thể sử dụng phân hữu cơ cho khu vườn của họ hoặc bán cho nông dân trong mạng lưới TOCA.
Ngoài Phuket, TOCA đang có kế hoạch hợp tác với các khách sạn trên đảo Samui và ở tỉnh Chiang Mai để làm mô hình nền tảng hệ sinh thái chất thải thực phẩm.
TOCA cho rằng đây sẽ là một ví dụ điển hình để thúc đẩy các hoạt động và thông lệ tốt của các khách sạn trên khắp Thái Lan.
Các khách sạn không chỉ sản xuất và sử dụng phân hữu cơ một cách tự cung tự cấp và tiết kiệm chi phí mà còn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi nông nghiệp hữu cơ, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp xã hội và giảm chi phí vận chuyển và môi trường.
Theo Cục kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, rác thải thực phẩm chiếm 64% tổng lượng rác thải ở nước này và gần 40% lượng rác thải thực phẩm đó vẫn có thể ăn được và có chất lượng tốt – được gọi là thặng dư thực phẩm.
Có nhiều hành động khác nhau được thực hiện ở cấp độ người tiêu dùng từ việc cung cấp thức ăn thừa cho những người có nhu cầu đến thực phẩm đông lạnh, mua sắm thông minh hơn và ủ phân hữu cơ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận coi vấn đề lãng phí thực phẩm là một cơ hội. SOS là tổ chức giải cứu lương thực đầu tiên ở Thái Lan nhằm giảm thiểu thất thoát lương thực dư thừa không cần thiết và cải thiện công bằng lương thực bằng cách phân phối lại lương thực dư thừa chất lượng cao từ các doanh nghiệp liên quan đến thực phẩm như khách sạn, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và các nhà cung cấp khác cho các cộng đồng có nhu cầu ở Bangkok, Phuket, Hua Hin, Chiang Mai và những địa phương khác trong nước mỗi ngày.
SOS đặt mục tiêu phân phối 25 triệu bữa ăn vào năm 2025 bằng cách tăng cường hoạt động và năng lực bằng cách thiết lập một ‘ngân hàng thực phẩm’ và các điểm phân phối trên khắp Thái Lan.
Ngoài ra, còn có các nền tảng phân phối thực phẩm dư thừa để tránh bị vứt bỏ ở các bãi chôn lấp khác nhau.
Trong số đó có Food Matter, cho phép người dùng mua thực phẩm dư thừa từ các cửa hàng thực phẩm, ứng dụng yindee, cung cấp thực phẩm cao cấp từ khách sạn, quán càphê, tiệm bánh và nhà hàng, và cửa hàng thực phẩm bền vững ‘ohothailand.’
Với dân số thế giới ngày càng tăng, Liên hợp quốc nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải giải quyết lượng lớn lương thực bị thất thoát và lãng phí trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, tính bền vững của nông nghiệp, sinh kế của con người và nguồn cung cấp lương thực.
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc đến năm 2030 bao gồm giảm một nửa lượng lãng phí thực phẩm toàn cầu tính theo đầu người ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng, đồng thời giảm thất thoát lương thực trong chuỗi sản xuất và cung ứng, bao gồm cả thất thoát sau thu hoạch./.
Theo TTXVN/ Vietnam+