Chuỗi thực phẩm Việt Nam đang có nguy cơ bị thất thoát cao so với các quốc gia trong khu vực do hiện tượng “gãy, đứt đoạn” trong cung ứng lạnh – mát.

Tại Hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu 2018, ông Julien Brun, Quản lý đối tác của công tư vấn CEL, cho biết trên thế giới trung bình có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị bỏ đi mỗi năm – tương đương với 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất thoát thực phẩm tươi cũng lên đến 50%.

Thất thoát 2/3 trước khi đến NTD

Theo thống kê, có đến 2/3 tỷ lệ thực phẩm tươi thất thoát trước khi đến tay người tiêu dùng (NTD). Trong đó, mặt hàng rau quả có tỷ lệ thất thoát đến 32%, cao hơn mức trung bình của châu Á là 29%, ở nhóm thịt là 14%, thủy hải sản là 12%. 

Theo các chuyên gia thị trường, mức thất thoát thực phẩm khá cao này khiến một lượng thực phẩm lớn, ước tính gần 50%, không bao giờ đến được NTD.

Hiện nay, việc cung ứng thực phẩm tươi chủ yếu vẫn từ đồng ruộng đi thẳng đến các chợ truyền thống, siêu thị mà không có bất cứ hình thức bảo quản nào trước khi đến tay NTD. 

Các sản phẩm này sau khi được người nông dân thu hoạch sẽ được thương lái chất đống lên xe và phân phối đến chợ đầu mối, nhà hàng, siêu thị. Trong khi đó, NTD Việt Nam chủ yếu vẫn chọn kênh thương mại truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hoá để mua – bán. 

Những kênh này thường không có hệ thống bảo quản khiến nhiều thực phẩm tươi như rau củ, hoa quả… nhanh hỏng, gây thất thoát, lãng phí lớn.

Chị Hồ Hạnh Mỹ, một tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi tại chợ Linh Đàm (Hà Nội), cho hay mỗi ngày cửa hàng chị phải vứt bỏ đi khoảng 10kg rau xanh do không tiêu thụ hết trong ngày khiến rau héo úa. 

“Buôn bán ở chợ, không có tủ lạnh để thực phẩm, vì thế tôi thường nhập đủ số lượng để bán trong ngày, tuy nhiên, không phải ngày nào cũng bán hết. Đặc biệt là mùa hè, nhiều loại rau xanh chỉ cần để từ sáng đến đầu giờ chiều đã héo, khách chê không mua, coi như phải đổ đi”.

Theo các chuyên gia, mức tiêu thụ thực phẩm tươi của người Việt Nam là hơn 60%, trong khi ở châu Âu chỉ 35 – 40%. Chính vì thế, NTD Việt Nam đòi hỏi cao một chuỗi thực phẩm dành cho thực phẩm tươi, đưa đến người dùng nhanh chóng.

Lãng phí thực phẩm không chỉ gây tốn kém cho nền kinh tế, cho NTD mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường.

Theo một báo cáo trước đây của Tổng cục Môi trường, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam ước tính thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, tương ứng cho 60% lượng chất thải rắn trên cả nước. 

Việc lãng phí lương thực mỗi ngày được thải ra môi trường của chính từng người dân đang trở thành mối đe dọa mới cho môi trường sống và cho chính bản thân người dân.

Hiện nay, việc thu hoạch, sử dụng thực phẩm tươi ở Việt Nam diễn ra trong thời gian rất ngắn, ít chế biến. Khảo sát cho thấy 32% lượng sản xuất ra không đến tay được cơ sở phân phối, trong đó có khoảng 60% không bao giờ được tiêu thụ.

Gỡ điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng

Chia sẻ về hiện trạng thất thoát nông sản tại Việt Nam, ông Julien Brun cho rằng với nền tảng sản xuất nông nghiệp rộng lớn, lâu đời, thức ăn của Việt Nam đa dạng, ngon và tươi, được NTD trong nước và thế giới ưa chuộng.

Hiện, giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao do đã được cải thiện trong chế biến. Chẳng hạn, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, đứng thứ 3 về xuất khẩu lúa gạo… 

Tuy nhiên, xét về giá trị xuất khẩu thì còn hạn chế, chỉ thuộc top 5 – 10. Điểm yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là tỷ lệ tham gia vào hệ thống bán lẻ rất thấp, chỉ chiếm dưới 10%. Ngành dịch vụ, chế biến chỉ chiếm 1,2%, thấp hơn rất nhiều so với các nước.

Các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ ra những điểm nghẽn trong thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm Việt Nam là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Đồng quan điểm, ông Julien Brun cho rằng Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc quản trị logistics cho chuỗi cung ứng lạnh – mát, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực, chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm. Điều này cũng dẫn đến tình trạng thất thoát một lượng lớn thực phẩm tươi.

Hiện nay, việc thu hoạch, sử dụng thực phẩm tươi ở Việt Nam diễn ra trong thời gian rất ngắn, ít chế biến. Khảo sát cho thấy 32% lượng sản xuất ra không đến tay được cơ sở phân phối, trong đó có khoảng 60% không bao giờ được tiêu thụ. 

Khâu vận tải thất thoát khá nhiều đối với từng loại. Ở góc độ cung ứng lạnh, tỷ lệ sử dụng là 14% (14% nông dân sử dụng cung ứng lạnh trong quá trình bảo quản, vận chuyển).

Đặc biệt, chi phí cho logistics cao chiếm tới 21% – 25% GDP hàng năm, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư chuỗi cung ứng lạnh – mát, NTD, nhà quản lý chưa quan tâm đến việc bảo quản thực phẩm an toàn trong kho lạnh…

Chính vì vậy, việc cấp thiết hiện nay là sự vào cuộc tích cực hơn của các “nhà” trong việc nghiên cứu và đánh giá các cơ hội cũng như giải pháp quản trị cung ứng lạnh – mát để khắc phục việc thất thoát nông sản, lập và phân chia công việc trong kế hoạch hành động để cùng nhau giảm lượng thất thoát hiện tại.

Theo vnbusiness.vn