Tận dụng thức ăn thừa mang lại lợi ích cho bạn về ngân sách lẫn thời gian, đồng thời cũng giúp tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn thừa cũng có “hạn”, việc ăn đồ thừa để quá lâu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.
Thực phẩm giữ được an toàn trong bao lâu phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cách đóng gói, bảo quản và loại thực phẩm. Có một số loại thực phẩm nếu được bảo quản tốt, sẽ để được từ 3-7 ngày, thế nhưng cũng có những loại thực phẩm nếu để quá 3 ngày, sẽ sinh ra các vi khuẩn chứa mầm bệnh nguy hại.
Dưới đây là những loại thức phẩm nên loại bỏ sớm:
1. Nhóm thực phẩm có thể để được lâu
- Hoa quả và rau
Tất cả trái cây và rau sống nên được sử dụng càng sớm càng tốt. Trái cây tươi được rửa và bảo quản kỹ thường sẽ giữ được khoảng 3-5 ngày.
Đối với rau củ, khi nấu chín, sẽ giữ được 3-7 ngày trong tủ lạnh.
- Bánh mỳ
Bánh mỳ tự làm có thể để được khoảng 3 ngày ở nhiệt độ phòng, trong khi bánh mỳ mua ở cửa hàng sẽ an toàn nếu được sử dụng trong khoảng từ 5-7 ngày, trừ khi có nấm mốc.
Lưu ý tuyệt đối không ăn bánh mỳ bị mốc.
- Mỳ ống nấu chín, ngũ cốc
Mỳ ống nấu chín và các loại ngũ cốc như lúa mạch và quinoa sẽ giữ được đến 3 ngày khi được bảo quản đúng cách. Nếu để tủ đông những thực phẩm này sau khi nấu, chúng thường sẽ để được 3 tháng.
- Các món tráng miệng và đồ ngọt
Các món này thường để được khoảng 3-4 ngày trong tủ lạnh.
2. Nhóm thực phẩm tuyệt đối không nên giữ lại
- Cơm
Cơm nguội nên được bảo quản trong vòng 1 giờ sau khi nấu, và chỉ nên dùng trong 3 ngày nếu được bảo quản tốt.
Theo khuyến cáo của Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ, cơm nguội có thể chứa mầm bệnh mang tên Bacillus cereus nếu để lâu. Loại vi khuẩn này có thể khiến bạn bị tiêu chảy.
- Thịt xay và thịt gia cầm
Thịt xay và thịt gia cầm đã được nấu chín ở nhiệt độ an toàn có thể để trong tủ lạnh khoảng 1-2 ngày, miễn là chúng được bảo quản ở nhiệt độ dưới 41°F (5°C), theo Cục An toàn Vệ Sinh Thực phẩm Hoa Kỳ.
Các loại thịt gia súc khác, chẳng hạn như bít tết, phi lê, sườn và thịt quay, có thể để trong tủ lạnh từ 3-4 ngày. Nếu thực phẩm được để trong tủ đông, nên đảm bảo sau khi rã đông phải được sử dụng trong vòng 2 ngày.
Đối với thịt nguội, nên sử dụng trong vòng 3-5 ngày kể từ ngày mở.
- Trứng
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, trứng có thể truyền vi khuẩn Salmonella – một loại vi trùng, gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật.
Trứng luộc nên được tiêu thụ trong vòng 7 ngày kể từ khi được nấu chín. Hãy chắc chắn rằng sau khi không dùng hết trứng sẽ được bảo quản trong tủ lạnh.
- Thuỷ, hải sản
Các loài cá và động vật thuỷ, hải sản có vỏ có thể sản sinh nhiều mầm bệnh hoặc chất độc như histamine.
Một số loại cá có chứa hàm lượng axit amin histidine cao, đặc biệt cá thuộc họ scomboidae như cá ngừ, cá thu, cá cơm, cá trích, cá đuối..nếu không được bảo quản tốt sau khi đánh bắt, cấp đông, bảo quản lạnh kém,vi khuẩn sẽ phát triển mạnh và biến đổi histidine thành histamine, gây độc cho người.
Dạng thực phẩm này chỉ ăn trong vòng 2-3 ngày sau khi được chế biến.
Lưu ý, hãy bảo quản ngay thức ăn thừa của bạn trong vòng 1-2 giờ sau khi chuẩn bị.
Những người đang mang thai, trên 65 tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy giảm nên đặc biệt cảnh giác với thức ăn thừa.
Hãy vứt thức ăn thừa của bạn sau 3 ngày kể từ khi chế biến – hoặc thậm chí sớm hơn, nếu chúng có mùi hoặc biến màu, có nấm.
Theo báo Lao Động