Theo Bộ NN&PTNT, nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Vì thế, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực này trở thành vấn đề quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho chính người nông dân.

Nông nghiệp đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính

Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.

Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…

Canh tác lúa theo hướng giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính ở Đồng bằng sông Hồng.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ NN&PTNT, nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%.

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0″ vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng, Việt Nam đã có những cam kết với quốc tế, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để hoàn thiện những cam kết với quốc tế, đồng thời đem lại những tích cực cho sản xuất lúa của quốc gia.

Định hướng từ phía các cơ quan quản lý

Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững (24/4/2023), Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch-trách nhiệm-bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực quốc gia và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp vào thời điểm này càng trở nên cần thiết.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, để giảm phát thải khí nhà kính sẽ tiến hành cải thiện khẩu phần thức ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí methane) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất).

Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt: mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa-thủy sản (lúa cá, lúa tôm,) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương,…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, sẽ tiến hành cải thiện khẩu phần thức ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho trâu và dê; tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ… Cùng với đó, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; phục hồi (trồng mới) rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nâng cao năng suất và trữ lượng carbon của rừng trồng gỗ lớn. Nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất.

Chuyển biến từ phía doanh nghiệp và các địa phương

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vùng sản xuất lúa lớn nhất nước ta, các mô hình giảm phát thải khí nhà kính đang được tích cực áp dụng.

Các địa phương khuyến khích triển khai, áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ, quy trình tưới, tiêu tiết kiệm trong canh tác và sử dụng phế phẩm trong nông nghiệp thông qua các mô hình như trồng rau thủy canh, trồng ngô nếp theo hướng an toàn, trồng rau ăn quả sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt…

Trong đó, nổi bật là mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính có sự tham gia của cộng đồng đã được triển khai tại Hợp tác xã Kênh 7B, huyện Tân Hiệp, do Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Australia tài trợ. Mô hình canh tác này áp dụng “1 phải 6 giảm”. Một phải là canh tác bằng giống lúa xác nhận và “6 giảm” là giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch và giảm khí phát thải. Mô hình thực hiện quy trình quản lý nước “ngập – khô xen kẽ” trên diện tích khoảng 270 ha.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang áp dụng công nghệ để chuyển đổi hoạt động sản xuất theo hướng xanh, bền vững. Hiện nay, doanh nghiệp WinEco có hệ thống 14 nông trường với hơn 3.000 ha áp dụng đa dạng các công nghệ canh tác hiện đại, hướng đến canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ.

Bộ NN&PTNT xác định, việc thực hiện kế hoạch hành động phải dựa trên cơ sở lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho phát triển ngành, nhất là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Từ đó, sẽ đóng góp một phần quan trọng cho việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo: https://ictvietnam.vn/tich-cuc-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-viet-nam-xay-dung-nen-nong-nghiep-xanh-60279.html