Ước mơ tưởng như hoài cổ này của Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến lại đang là đề tài được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực môi trường quan tâm, bàn luận.

Trong những câu chuyện về nghề, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến nhiều lần bày tỏ băn khoăn về việc một khối lượng rác thải nhựa dùng một lần, trong đó có túi ni lông bị vứt trôi nổi ra môi trường. Ông bảo: “Cứ như thời khó khăn ngày trước, cái túi ni lông được dùng đi dùng lại đến rách thì thôi. Cuối cùng thì cũng thải bỏ nhưng ít nhất lượng túi thải bỏ ít hơn rất nhiều so với bây giờ. Quả là, nhiều khi tôi thèm thói quen sử dụng túi ni lông của một số người cao tuổi trước đây, một thói quen tưởng chừng như lạc hậu, lẩn thẩn và đang dần mai một thì nay đang cần khuyến khích trở lại. Mà không chỉ với túi ni lông, nhà báo ạ…”.

77-1-(1).jpg

Những người làm công tác vệ sinh môi trường thì chắc chắn không thể thất nghiệp được vì ở đâu có con người ở đó có rác, thế nên chúng tôi chỉ dám ước làm sao cho ngành môi trường ít việc hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc thực thi pháp luật có hiệu lực thực; chất thải được xử lý công nghệ cao, và người dân đã ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình với môi trường, tái sử dụng và tăng thời gian sử dụng, hạn chế tối đa thải bỏ và triệt để phân loại rác để phục vụ cho tái chế…

Ông Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc URENCO

Câu chuyện của ông khiến tôi hình dung lại, trước đây, mỗi khi đi chợ về, cùng với việc làm vệ sinh làn nhựa, túi vải thì những chiếc túi ni lông cũng được bà hoặc mẹ tôi mang ra giặt, treo lên dây phơi đến khô là gấp lại cất một góc, lúc cần đựng gì thì mang ra dùng lại, cứ như thế đến rách mới bỏ đi. Đối với thức ăn chín, thường các cụ đựng vào xoong, bát, hoặc bọc trong lá chuối. Không riêng gì bà tôi, mẹ tôi, nhiều người lớn tuổi hồi đó đều làm thế. Đôi khi trong câu chuyện “kể tội” bố mẹ mình, “lũ” con cái lại nhắc đến cái chuyện phơi túi ni lông, thậm chí nhét túi ni lông khắp ngóc ngách trong nhà.

Bây giờ, hình ảnh những chiếc túi ni lông phất phơ trên dây phơi không còn gặp thường xuyên nữa. Đời sống ngày càng khá lên, nhịp sống ngày càng gấp hơn, những công cụ hỗ trợ, giải phóng sức lao động của con người, phục vụ nhịp sống hiện đại của con người ngày càng phong phú mà trong đó túi ni lông là một trong các vật dụng được liệt kê vào danh sách. Thôi thì đủ các loại túi, ban đầu chỉ là túi ni lông trong, rồi sau đó đến túi đục, túi màu, túi in hoa, túi in hình con vật ngộ nghĩnh, túi in logo, nhãn hàng, địa chỉ cửa hàng. Kích cỡ túi cũng đủ loại, có loại túi ngang, túi dọc, túi ống, có túi có đáy, lại có cả túi không đáy một quai (chuyên dùng cho các quán chè, trà sữa để lồng bên ngoài cốc nhựa). Dù mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam khoảng mấy chục năm, tuy nhiên túi ni lông đã khẳng định ngay lợi thế của mình, dần dần, nó làm mưa làm gió thị trường đựng, soán ngôi tay nải, thúng mủng, làn nhựa, túi vải, túi cói… Chỉ cần tay không ra chợ, siêu thị hay bất cứ đâu mua đồ, bạn cũng có thể “đựng cả thế gian” mang về trong túi ni lông, thậm chí ở thành thị, đến cơm canh, đồ ăn ướt, bún chả, nước phở, nước lèo… túi ni lông “cân” tất. Sử dụng xong, vứt vào thùng rác là gọn sạch, khỏi phải lau rửa giặt giũ phiền hà. Bởi vậy nên, thói quen sử dụng lại núi ni lông của một số người cao tuổi trở nên cá biệt, thậm chí còn bị coi là tiết kiệm không phải lối, hay còn được xem là lẩn thẩn như đã nói ở trên.

77-2-.jpg

Tiện lợi, nhanh gọn, người tiêu dùng lại không mất chi phí cho nên việc sử dụng cũng tràn lan, vô tội vạ. Ước tính, mỗi năm nhân loại sử dụng khoảng 500 – 1.000 tỷ chiếc túi ni lông. Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi gia đình mỗi ngày sử dụng khoảng 10 túi ni lông các loại.

Thế nhưng, cái sự tiện lợi ấy cho đến bây giờ chỉ còn tiện mà không còn lợi, bởi qua nghiên cứu cho thấy, việc lạm dụng túi ni lông và sử dụng túi ni lông không đúng cách đã gây ra những hệ lụy không hề nhỏ đối với sức khỏe con người và môi trường.

Nói về tác hại của túi ni lông, Tổng Giám đốc Urenco cho biết, hiện nay, chúng ta đang sử dụng vô tội vạ túi ni lông tái chế thủ công, không kiểm soát từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng… Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì… (là những chất dẫn đến bệnh ung thư) gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi và các loại bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng. Quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni lông diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt, hoặc các chất có tính ăn mòn như dấm, dưa chua.

Còn đối với môi trường, túi ni lông (cùng các loại rác thải nhựa) là “thủ phạm” nguy hiểm gây ra “ô nhiễm trắng”. “Cái thứ mềm, nhẹ như không ấy, phải mất cả trăm năm, thậm chí nghìn năm mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Nếu cứ với đà sản xuất và sử dụng túi ni lông như hiện nay thì đến một ngày, trái đất của chúng ta sẽ ngập trong túi ni lông và ô nhiễm nặng nề. Còn công nhân vệ sinh môi trường thì không khi nào hết việc”.

77-3-.jpg

Ông nhắc lại chi tiết năm 1955, trong lần trò chuyện với Tiểu đội Chữa cháy được cử tham gia bảo vệ Lễ đài trên Quảng trường Ba Đình tại Lễ mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trường kỳ thắng lợi trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần bắt tay từng người và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Kể câu chuyện này, ông bảo, “càng ngẫm, lời chúc của Bác không chỉ đúng với lực lượng Phòng cháy chữa cháy mà rất cần với nhiều công việc, trong đó có có ngành môi trường chúng tôi. Những người làm công tác vệ sinh môi trường thì chắc chắn không thể thất nghiệp được vì ở đâu có con người ở đó có rác, thế nên chúng tôi chỉ dám ước làm sao cho ngành môi trường ít việc hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc thực thi pháp luật có hiệu lực thực; chất thải được xử lý công nghệ cao, và người dân đã ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình với môi trường, tái sử dụng và tăng thời gian sử dụng, hạn chế tối đa thải bỏ và triệt để phân loại rác để phục vụ cho tái chế”.

Người đứng đầu công ty xử lý rác thải số 1 trên toàn quốc và địa bàn Hà Nội nói riêng cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội tái chế Việt Nam. Xuất phát từ công việc, ông hiểu hơn ai hết áp lực của rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đối với môi trường; đồng thời cũng hiểu được giá trị của rác nếu được tái chế, tái sử dụng. Vì thế, trong nỗ lực xử lý rác, những người như ông không chỉ đặt ra yêu cầu đủ đất cho chôn lấp rác thải, mà cao hơn, đó là khát khao được áp dụng những công nghệ xử lý rác tiên tiến để biến rác thành tài nguyên. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng, từ khát vọng tới hiện thực là cả một chặng dài bền bỉ, và bên cạnh việc hạn chế thải bỏ, tăng cường tái sử dụng như cái cách “ông bà mình” dùng lại túi ni lông, thì phải triệt để phân loại rác tại nguồn.

Không có thành công nào được trải hoa hồng. Cũng không có thành công nào không nếm trải thất bại. Nhưng khó khăn, chưa thành công trọn vẹn không có nghĩa là buông tay. Bởi cao hơn nhiệm vụ xử lý rác, những người làm công tác duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường như Urenco ý thức được sứ mệnh của mình, đó là hành động vì một Thủ đô xanh – sạch – đẹp – văn minh.

Họ đã và đang đẩy mạnh truyền thông cho phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng và tái chế rác thải. Họ đã tổ chức nhiều chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn thông qua nhiều hoạt động xã hội khuyến khích người dân phân loại rác như “Green Day – Đổi rác lấy quà”. Họ đã chủ động kiếm tìm các đối tác, những người chung ý chí, chung hành động. Và không phủ nhận, “Green Day – Đổi rác lấy quà” đã cho những kết quả rất khả quan.

Thế nhưng, như Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến đã nói với tôi, để đi đến thành công còn cả một chặng đường dài. Chừng nào chưa triệt để phân loại rác tại nguồn, thay thế túi ni lông truyền thống bằng túi sinh học, thì chừng đó, những người làm công tác môi trường vẫn còn nhiều vất vả, và mong ước ứng xử với túi ni lông như “thời ông bà mình” vẫn đằng đẵng trong ông. Ngẫm ra, có những điều tưởng chừng xưa cũ, nhưng luôn có sức sống bền bỉ với thời gian.

Theo baotainguyenmoitruong.vn