Giá lương thực đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) bắt đầu công bố chỉ số giá lương thực. Cuộc khủng hoảng giá lương thực này xuất phát từ cuộc xung đột giữa hai nước sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới Nga và Ukraine.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cảnh báo, nếu chỉ số giá lương thực tăng từ 8%-20% sẽ có thêm khoảng 8-13 triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng bị đói. Thậm chí, tại một số khu vực như Đông Phi, nơi hứng chịu hạn hán trong suốt 3 năm qua, tình trạng thiếu lương thực sẽ càng trở nên trầm trọng, đe dọa phá hủy thành quả mà FAO đã nỗ lực trong suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ.
Trước thực trạng này, giới chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp ứng phó tạm thời. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm các nguồn cung ngũ cốc thay thế, thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc tìm kiếm lựa chọn khác tại thị trường nội địa và những thị trường không bị ảnh hưởng. Giải pháp này giúp giảm thiểu một số chi phí mà người tiêu dùng nhiều khả năng phải gánh chịu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, từ siêu thị đến nhà ăn tại các công ty tư nhân, có thể giảm lãng phí thực phẩm nhờ các chính sách đặt hàng và hệ thống làm lạnh tốt hơn. Ví dụ tại Mỹ, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính, có tới 30%-40% nguồn cung thực phẩm đang được sử dụng một cách lãng phí.
Tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo có thể gây ra bất ổn xã hội và chính trị, thậm chí có thể thúc đẩy xung đột, bạo lực và khủng bố, dẫn tới những hệ lụy khó lường đối với an ninh chung của cả thế giới. Thế giới cần phải cảnh giác về vấn đề này và không được phép đánh giá thấp ảnh hưởng của giá lương thực cũng như tình trạng đói nghèo. Theo Liên hiệp quốc, vào mùa thu tới, thế giới sẽ thấy rõ nhất những tác động của vấn đề này.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng