Vấn đề lương thực đang ở trong tình trạng báo động trên toàn thế giới. Theo thống kê, cứ 10 người thì có 1 người bị đói. Số người đói ngày một tăng lên, từ năm 1985 đã tăng thêm 40 triệu người.
Theo đó, ngoài số người đói kinh niên, thường xuyên có 500 triệu người thiếu ăn, hầu hết tập trung ở các nước đang phát triển. Ðể có thể đảm bảo lương thực thêm 1 tỉ dân vào năm 2000 và duy trì mức sống hiện nay, phải tăng thêm 40% sản xuất lương thực, năng suất cây trồng phải tăng 26%.
Tuy nhiên, do việc phá rừng, hàng năm có khoảng 25 – 30 tỉ ha đất bị xói mòn. Sa mạc chiếm 36 diện tích đất đai thế giới, phá hủy 35 tỉ ha. Chỉ tính riêng diện tích đất trồng trọt, hàng năm mất đi khoảng 5 – 7 triệu ha. Đáng chú ý, ở châu Phi có đến 4/5 quốc gia bị đe dọa bởi nạn đói và thiếu lương thực. Khối lượng xuất khẩu lương thực, thực phẩm trên thế giới tới 200 tỉ đô la/năm.
Ðể đảm bảo cuộc sống, mỗi người thường có nhu cầu riêng về lương thực và thực phẩm xác định bằng khẩu phần ăn hàng ngày, phụ thuộc vào lứa tuổi, hoạt động nghề nghiệp, vào kích thước cơ thể và giới tính. Nhìn chung, lao động công nghiệp nặng ở người châu Âu trong khoảng 8 giờ đòi hỏi khoảng 2.400 Kcal đối với nam và 1.600 Kcal đối với nữ.
Ðối với người Việt Nam, nhu cầu về lương thực thấp hơn các quốc gia châu Âu, cụ thể là 2.100 Kcal đối với nam và 1.400 Kcal đối với nữ. Trong khẩu phần thức ăn hàng ngày không chỉ tính riêng lượng calo, mà còn phải tính đến thành phần những chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là protein.
Nhu cầu này thay đổi cũng giống như calo, đồng thời cũng phải tính đến chất lượng của nguồn protein. Nếu thiếu protein động vật trong khẩu phần thức ăn thì phải bù protein thực vật. Nhưng hàm lượng protein trong thực vật thường rất thấp.
Sự thiếu protein trong khẩu phần thức ăn ở các nước đang phát triển có khi còn nghiêm trọng hơn cả thiếu calo, nhất là đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con và trẻ em. Trong cuốn sách “Cái đói trong tương lai” cho biết, trong số 60 triệu người chết hàng năm, thì chết do đói ăn là 10 – 20 triệu, số còn lại bị chết vì thiếu dinh dưỡng và bệnh tật.
Ở Việt Nam, qua số liệu điều tra của Viện dinh dưỡng trong 3 năm 1987, 1988, 1989 ở 23 tỉnh, thành phố trên 1278 hộ cho thấy, bữa ăn của người dân còn thiếu về số lượng, mới đạt 1950 Kcal/1người/1ngày, so với yêu cầu là 2.300 Kcal còn thiếu 15%.
Số gia đình dưới mức 1.500 Kcal được liệt vào loại đói chiếm 17%, từ 1500 – 1800 Kcal vào loại thiếu lên đến 23%, cộng cả hai loại thiếu trên đến 40%, số người gầy ở nữ chiếm 38%, ở nam giới chiếm 62% và khoảng 40% trẻ em suy dinh dưỡng. Tỉ lệ thiếu vitamin A – một chỉ số tổng hợp vì sự đói nghèo ở nước ta cao gấp 8 lần mức quy định của Tổ chức Y tế thế giới.
Nghèo đói và môi trường có quan hệ như thế nào?
• Nghèo đói làm cho các cộng đồng nghèo phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên mỏng manh của địa phương trở nên dễ bị tổn thương do các biến động của tự nhiên và xã hội.
• Nghèo đói dẫn đến thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, cho cơ sở hạ tầng và văn hoá giáo dục và cho các dự án cải tạo môi trường.
• Nghèo đói làm gia tăng tốc độ khai thác tài nguyên theo hướng quá mức hay huỷ diệt.
• Nghèo đói là mảnh đất lý tưởng cho mô hình phát triển chỉ thị tập trung vào tăng trưởng kinh tế và xây dựng một xã hội tiêu thụ.
• Nghèo đói góp phần bùng nổ dân số.
Theo Kinh tế Môi trường