Lối sống xanh bảo vệ môi trường là biểu tượng cho sự cam kết giữa bản thân và phát triển bền vững trong tương lai, giảm thiểu gánh nặng đặt lên thiên nhiên và các tài nguyên trên Trái Đất.
Trào lưu “sống xanh – sống bền vững” đang được hưởng ứng mạnh mẽ trên toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường sống, giảm khí thải gây ô nhiễm và hướng đến phát triển bền vững trong tương lai. Sống xanh là xu hướng đưa ra những quyết định ủng hộ và hướng đến sự phát triển bền vững nhằm giảm tác động tiêu cực lên môi trường sống cũng như bảo vệ sức khỏe của con người.
Sống xanh (hay còn gọi là lối sống bền vững) là những suy nghĩ, thói quen và hành động nhằm giảm thiểu dấu chân carbon như tránh lãng phí thực phẩm, tái sử dụng đồ vật, thay đổi phương thức di chuyển giảm khí thải carbon và sống dung hòa với thiên nhiên tươi xanh. Nói cách khác, lối sống xanh bảo vệ môi trường là biểu tượng cho sự cam kết giữa bản thân và phát triển bền vững trong tương lai, giảm thiểu gánh nặng đặt lên thiên nhiên và các tài nguyên trên Trái Đất.
Trong bối cảnh công nghiệp phát triển như hiện nay, hàng ngày con người đang tạo và thải ra bên ngoài môi trường sống một khối lượng cực kì lớn về rác thải. Khi nhu cầu sử dụng của con người ngày càng trở nên nhiều hơn thì lượng tạo ra rác thải cũng ngày một tăng cao hơn.
Để giảm thiểu và khắc phục tình trạng tạo ra rác thải ngày một nghiêm trọng thì trào lưu “sống xanh” đã xuất hiện mang trong mình một thông điệp to lớn vì môi trường và cộng đồng ngày một trong lành hơn. Bên cạnh đó, mang lại cuộc sống tươi đẹp hơn trong tương lai sau từng ấy tổn thương vì rác thải.
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt xác định mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên, cùng với đó là tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP.
Trong đó, đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; Ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững…
Đến năm 2050, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế; 100% các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và 100% nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 15%; Ít nhất 45 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và an toàn sức khỏe, tính mạng của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng mang lại một số hiệu ứng tích cực nhất định, trong đó có nhận thức của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng về sản xuất, tiêu dùng và phát triển bền vững.
Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm cho đến người tiêu dùng.
Theo Kinh tế Môi trường