Singapore những năm qua đối mặt tình trạng lãng phí thực phẩm và phần lớn trong số này không được tái chế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, giới chức “đảo quốc sư tử” đang khuyến khích người dân tái chế thực phẩm nhằm giảm thiểu tình trạng trên.

Theo một thống kê thực hiện năm 2018 của Chính phủ Singapore, quốc gia này tạo ra hơn 763.000 tấn rác thực phẩm, tăng 34% so 10 năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải thực phẩm vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 17%. Trước tình hình đó, giới chức Singapore đã đề ra kế hoạch hạn chế rác thải thực phẩm, thậm chí yêu cầu các trung tâm mua sắm lớn, khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống bắt buộc phân loại thức ăn thừa cho các mục đích tái chế, như làm thức ăn cho động vật hoặc làm phân bón cho cây trồng. Nhiều người dân tại đảo quốc này cũng dần chuyển sang xu hướng tái chế thực phẩm thừa nhằm bảo vệ môi trường.

Cô Pui Cui Fen, 39 tuổi, là một trong những người tiên phong cho xu hướng nói trên. Mỗi thứ ba hằng tuần, cô đến chợ Yuhua và các trung tâm cung cấp thực phẩm tại Jurong East, nằm ở phía tây Singapore, gom nhặt bã cà-phê và thực phẩm thừa để ủ thành phân bón, sau đó cung cấp cho những khu vườn cộng đồng gần đó. Pui cho biết, việc sử dụng phân bón từ thực phẩm rất tốt cho cây trồng, giúp tăng quá trình phân hủy lá cây, rau, củ và các nguyên liệu hữu cơ vì tạo điều kiện lý tưởng để vi sinh vật phát triển. 

Pui từng là nhà khoa học môi trường và thành viên sáng lập của “Foodscape Collective”, một mạng lưới bao gồm những doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và cá nhân phối hợp để tạo ra một hệ thống thực phẩm cân bằng, toàn diện và có thể tái chế. Năm 2014, nhận thấy những tác động của thực phẩm thừa tới môi trường, cô bắt đầu nảy ra ý tưởng tái chế thực phẩm thừa của chính gia đình mình thành phân bón cho vườn cộng đồng thuộc khu nhà ở của cô tại vùng Bukit Gombak. Năm 2017, Pui và bạn bè “giải cứu” 350 kg vỏ chuối tại một sự kiện chạy marathon và đưa tới năm khu vườn cộng đồng khắp Singapore. Năm nay, Pui được Quỹ môi trường OCBCCares tài trợ để sáng lập “Dự án vàng đen”, một sáng kiến nhằm khuyến khích nhiều người hơn trong cộng đồng tham gia vào việc ủ rác thực phẩm.

Anuradha Singhal, một cư dân thuộc chung cư nằm trong chương trình vận động nói trên của Pui cho biết: “Pui đã khuyến khích chúng tôi tham gia chương trình này. Thật vui khi thấy thức ăn thừa trong nhà bếp của chính mình biến thành phân bón cho cây trồng. Chúng tôi đã tạo ra 60 kg phân bón và sử dụng nó để nuôi dưỡng các loại cây trong vườn của chung cư, như đu đủ, đậu xanh và rau muống. Sau đó, chúng tôi tổ chức các bữa tiệc nhỏ với nguyên liệu là những loại rau này. Cách thức này không chỉ là tái chế thực phẩm mà còn giúp xây dựng một cộng đồng với những người hàng xóm của chúng ta”.

Những thành công bước đầu đã giúp Pui tạo ra một mạng lưới trực tuyến kết nối các nhà sản xuất phân bón tái chế từ thực phẩm, trong đó có khách sạn Sheraton Singapore. Theo bếp trưởng của khách sạn Sheraton, ông Eric Cheam, là đầu bếp, tất cả các sản phẩm tươi sống là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ của người nông dân. Do đó, cần tránh lãng phí thực phẩm hoặc tái chế chúng vào công việc có ích.

Những động thái khuyến khích tái chế thực phẩm của Chính phủ Singapore cũng như một số cộng đồng tại nước này đang làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người dân tại “đảo quốc sư tử”. Một cuộc khảo sát thực hiện hơn 1.000 người dân có sự tham gia của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore về thói quen mua sắm, nấu ăn, ăn uống… cho thấy những thay đổi nhận thức về môi trường của người dân nước này. “Một điều thú vị là khoảng 3% số người được hỏi đang thực hiện tái chế thực phẩm thừa thành phân bón”, đại diện Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore cho biết. Do đó, giới chức đảo quốc này hy vọng xu hướng tạo phân bón từ thực phẩm thừa sẽ được phát huy nhiều hơn nữa để giúp tránh lãng phí thực phẩm, cải tạo đất và bảo vệ môi trường.

Theo Báo Nhân Dân