Nếu trang Amazon niêm yết giá bán mỗi tấn rơm là 80-100 USD, tính ra mỗi năm chúng ta đã đốt bỏ 2-3 tỉ USD
Nhiều phụ phẩm nông nghiệp đang trở thành nguồn lợi tăng thêm cho nông dân, đặc biệt là rơm rạ sau mỗi mùa gặt nhưng nhiều nơi vẫn giữ truyền thống đốt bỏ, không nghĩ đến giá trị tăng thêm mà nó mang lại.
43 triệu tấn phụ phẩm cây lúa/năm
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường thì trên trang bán hàng Amazon rao bán mỗi tấn rơm với giá 80-100 USD.
Theo ông Chinh, hiện khối lượng rơm – phụ phẩm cây lúa sau thu hoạch – của Việt Nam lên đến 43 triệu tấn/năm. Trong số đó, chỉ khoảng 23% được sử dụng trong chăn nuôi, còn đa phần là đang bỏ phí, chưa sử dụng được. “Đây là tiềm năng lớn mà chúng ta chưa tận dụng hết. Trên thực tế, rơm có thể sử dụng được cho nhiều mục đích trong sản xuất nông nghiệp, như làm phân bón, đệm lót sinh học…” – ông Chinh khẳng định.
Theo tính toán của ông Chinh, nếu Amazon niêm yết giá bán mỗi tấn rơm là 80-100 USD, tính ra mỗi năm chúng ta đã đốt bỏ 2-3 tỉ USD.
Trước đây, ước tính mỗi mùa thu hoạch lúa, nông dân tại ĐBSCL đã đốt bỏ khoảng 27 triệu tấn rơm rạ. Sau khi ông Phan Tấn Bện, một nông dân ở Đồng Tháp, nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm rạ cho cây trồng nông nghiệp và chăn nuôi trong nước đang tăng nên đã sáng chế chiếc máy cuốn rơm, giải quyết được tình trạng lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường, tăng thu cho nông dân khi rơm của họ trở thành hàng hóa tiêu thụ trong vùng.
Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia – cho biết đơn vị này đã triển khai một số dự án liên quan đến xử lý rơm sau khi thu hoạch lúa. Ngoài việc phối trộn làm thức ăn vụ đông, rơm có thể sử dụng làm chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể…, từ đó nâng cao giá trị.
Bà Hạnh cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho nông dân thu gom, xử lý rơm hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ đồng hành với người dân thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, để phế phẩm của ngành này đồng thời là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của ngành kia, từng bước thay thế và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bán rơm thu ngoại tệ, sao không?
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Rơm Việt (xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có lẽ là doanh nghiệp (DN) đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu rơm.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Rơm Việt – cho hay bắt đầu từ tháng 1-2020 đến nay, DN đã thu mua, xuất khẩu được hơn 10 vụ, với số lượng khoảng 400.000 tấn rơm, thu về hơn 60.000 USD. Công ty đã thu mua gần 1.000 ha phụ phẩm rơm sau thu hoạch vụ mùa của nông dân để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Rơm sau khi thu hoạch về được xử lý khô tới 90% rồi dệt thành mành và sấy khô ở nhiệt độ rất cao. Các sản phẩm rơm này được phía đối tác Hàn Quốc thu mua để che phủ cho các loại cây nông nghiệp tránh tuyết vào mùa đông, đặc biệt là cây sâm.
“Việc tận dụng nguồn nguyên liệu này không chỉ giúp sinh lợi cho nông dân mà còn giảm thiểu tình trạng đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường hiện nay” – bà Xuân khẳng định.
Theo ông Tống Xuân Chinh, muốn khai thác được nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ để xuất khẩu phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có hệ thống máy tuốt lúa đồng thời cuốn được cả rơm, xử lý hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm cho xuất khẩu.
Hiệp hội Thịt Nhật Bản từng khảo sát nhiều nơi ở Việt Nam và nhận thấy trữ lượng rơm rất lớn, thừa sức đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi bò tại Nhật Bản. Họ muốn xây dựng nhà máy rơm đầu tiên tại An Giang – địa phương có diện tích canh tác lúa thuộc nhóm đầu của ĐBSCL cũng như cả nước nên lượng rơm lên đến hàng triệu tấn mỗi năm, sau đó có thể mở rộng, xây thêm một số nhà máy ở các địa phương khác.
Về dự án xây dựng nhà máy sản xuất rơm này, ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang – cho biết lẽ ra đã được triển khai từ vài năm trước nhưng do vướng thủ tục nên chưa thể thực hiện. Sở đã đề nghị Bộ NN-PTNT cùng Bộ Ngoại giao làm việc với đối tác Nhật Bản về dự án này. Khi kiểm dịch rơm xong, tỉnh sẽ mời DN Việt Nam thực hiện liên kết với đối tác. Hiện An Giang đang chờ các cơ quan chức năng hai bên làm việc để thống nhất chuyển giao quy trình kiểm dịch theo lộ trình.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, nông dân trong tỉnh cũng đã bán rơm hoặc tận dụng làm nấm rơm để kiếm thêm thu nhập thay vì đốt bỏ gây lãng phí. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này sẽ cao hơn nữa nếu có sự liên kết làm ăn với các DN và có đầu ra ổn định. Đặc biệt, khi các nhà máy này đi vào hoạt động, chắc chắn lượng rơm sẽ được thu mua, cung ứng cho các DN chế biến để xuất khẩu sang Nhật Bản hay một số thị trường tiềm năng khác.
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo nguồn lợi cho nông dân cần được chính quyền các địa phương quan tâm, tổ chức sản xuất hàng hóa, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân có thêm cơ hội làm giàu trên mảnh ruộng của họ.
Để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh nhấn mạnh trong thời gian tới, ngành chức năng cần đưa cơ giới hóa đồng bộ vào hệ thống trồng trọt, vừa cắt lúa vừa thu gom chế biến rơm. “ĐBSCL có thể áp dụng rất thuận lợi mô hình này” – ông Tống Xuân Chinh nói.
Trung Quốc, Ấn Độ thu hàng tỉ USD mỗi năm
Trung Quốc, Ấn Độ xuất khẩu số lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, thu về hàng tỉ USD mỗi năm.
Theo trang Sina, Nhật Bản đang rất thiếu rơm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Nhật Bản chủ yếu nhập rơm từ Trung Quốc với khối lượng khoảng 200.000 tấn/năm để làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, gần đây, thị trường Trung Quốc không ổn định, giá rơm ngày càng tăng, không ít trường hợp bị ký sinh nên các nhà thu mua Nhật Bản tìm nguồn cung khác. Trước tình hình này, nhà chức trách Trung Quốc đề ra các kế hoạch sử dụng tối đa rơm rạ phục vụ cho cả nông nghiệp lẫn công nghiệp trong nước như làm giấy, sản xuất điện, bao bì thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Trung Quốc còn hợp tác với Công ty Dệt may The Formary (New Zealand) thương mại hóa loại vải làm từ rơm rạ và len.
Ở Ấn Độ, việc xuất khẩu phụ phẩm nông nghiệp giúp giải quyết phần nào nạn ô nhiễm thường niên tại nước này do khói đốt đồng góp phần. Tính riêng bang Punjab, mỗi năm có khoảng 21 triệu tấn rơm được tiêu thụ, tổng giá trị lên đến hơn 53 triệu USD, tính theo mức giá trung bình 2,67 USD/tạ.
Theo nld.com.vn