Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ đầu năm 2022. Những quy định về phân loại và thu gom rác thải cần thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả?

Chưa nhiều người nắm rõ quy định phân loại rác thải

Từ ngày 1/1/2022, bạn đã phân loại rác tại nhà chưa? Luật Bảo vệ môi trường mới đã có hiệu lực từ đầu năm nay quy định: chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn; phí xử lý rác cũng sẽ áp dụng cách tính mới theo khối lượng, thay vì bình quân như từ trước tới nay. Nghĩa là thải bao nhiêu rác trả tiền bấy nhiêu.

Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, những túi rác thải vẫn còn xuất hiện bên lề đường mà chưa được phân loại tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Không chỉ là rác thải sinh hoạt thông thường, túi nilon, vỏ bánh kẹo, mà thậm chí cả khẩu trang đã qua sử dụng cũng được vứt bừa bãi. Điều này một phần cũng đến từ việc nhiều người chưa nắm rõ quy định phân loại rác thải.

Bên cạnh việc phân loại rác tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định về việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay vì tính phí theo bình quân đầu người như hiện nay. Đối với chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định này còn nhiều bất cập. Đặc biệt là những hộ kinh doanh, số lượng rác thải mỗi ngày tương đối lớn.

Luật quy định trách nhiệm phân loại rác thải của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Để có thể thực hiện tốt chính sách này thì mỗi cá nhân cần có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là phân loại rác ngay tại gia đình. Đây là gốc rễ để cơ quan chức năng xử lý rác thải sinh hoạt.

Rác thải là thảm họa hay là tài nguyên?

Với điều kiện hạ tầng và thiếu công nghệ như hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường cũng đưa ra lộ trình thực hiện trong 3 năm. Thế nhưng nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, liệu 3 tháng, 1 năm rồi 3 năm sau có đi vào quên lãng?

Đã hơn 2 năm, kể từ khi phong trào chống rác thải nhựa trong toàn quốc được Thủ tướng phát động với mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thế nhưng, đến bây giờ, mục tiêu rất lớn lao đó để cứu đại dương và Trái đất đã không thực hiện được. Xu hướng không sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng đang mai một dần.

Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được phân loại, xử lý, tái chế theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), hơn 50% hộ kinh doanh quy mô nhỏ thiếu hiểu biết về tác động của rác thải nhựa với môi trường; hơn 60% hộ kinh doanh không nắm được bất cứ quy định pháp lý nào về quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường. Họ cũng thờ ơ với vấn đề rác thải nhựa xung quanh mình.

Hội An là một điểm sáng ít ỏi ghi nhận lượng rác nhựa giảm. Nguyên nhân một phần là do phân loại rác thành công suốt 10 năm qua, một phần do triển khai nhiều mô hình thành công. Nhưng lý do lớn nhất lại là không có khách để phục vụ vì dịch COVID-19.

Không chỉ Hội An, phần lớn thành tựu của phong trào rác thải nhựa 2 năm qua đều trông chờ vào ý thức. Một nhà hàng dù thu nhập giảm vì dịch COVID-19 vẫn kiên định dùng ống hút gạo và túi nilon tự phân hủy thế này là một ví dụ. Việc giảm rác nhựa muốn đi vào bản chất, không thể chỉ trông chờ vào thói quen và sự tự giác của số ít những điển hình thế này.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó 50 – 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới. Song số lượng rác được thu gom về chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng. Nguyên nhân là số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay.

Rác thải là thảm họa hay là tài nguyên? Quy định của pháp luật và chính sách của nhà nước cộng với ý thức của con người sẽ quyết định điều đó.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là 2 khách mời: Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam.

Theo vtv.vn