Đầu năm Nhâm Dần, nhiều gia đình trẻ đã cùng tham gia những chuyến thiện nguyện đến vùng sâu vùng xa. Đi để con trẻ vừa được tham gia chia sẻ với những mảnh đời khó khăn.
“Mỗi chuyến đi, em đều tham gia khuân vác đồ, trực tiếp trao quà cho các bạn khó khăn cùng trang lứa. Em thấy rất vui và hiểu rằng chuyến đi của mình cùng gia đình và mọi người có ý nghĩa” – bạn Bảo, học sinh lớp 8, chia sẻ.
Mong con lớn lên biết yêu thương, sẻ chia
Bảo cùng với ba mẹ và ông ngoại vừa tham gia chuyến thiện nguyện đầu năm với các thành viên của CLB Nhịp sống yêu thương (Nhà Thiếu nhi TP.HCM) đến với các em học sinh đồng bào dân tộc K’Ho tại Tà Nung, Lâm Hà và các em học sinh mồ côi, người già neo đơn cùng bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng.
Từ nhỏ, khoảng 6 tuổi Bảo đã được ba mẹ cho tham gia những hoạt động như đến với các bạn nhỏ mồ côi, bệnh nhi nghèo. Anh Trần Văn Phước, ba của Bảo, cho biết gia đình anh thường xuyên làm vậy để Bảo được vui chơi với các bạn khó khăn hơn mình. Khi Bảo còn nhỏ, ba mẹ hướng dẫn cậu bỏ ống heo tiền lì xì để đóng góp, mua quà tặng các bạn khó khăn.
“Chúng ta không thể nói lý thuyết rằng con phải yêu thương mọi người xung quanh, biết sẻ chia với các bạn khó khăn hơn. Tôi muốn thông qua thực tế sẽ giúp con có những suy nghĩ và hành động tốt hơn. Mong con lớn lên sẽ nghĩ và làm những điều tốt đẹp, sống tử tế” – anh Phước cho hay.
Hai chị em Trọng Khoa (lớp 4) và Minh Hạnh (lớp 10) nhà ở tỉnh Bình Phước nhưng ba mẹ cũng thường đăng ký cho con cùng tham gia các chuyến đi do CLB Nhịp sống yêu thương tổ chức. Ngoài những đóng góp của ba mẹ, cậu học trò lớp 4 Trọng Khoa đã lấy tiền thưởng từ cuộc thi sáng tạo trong thanh thiếu nhi của mình để nhờ mẹ góp chung vào quỹ. Cô chị Minh Hạnh lấy tiền tiết kiệm góp chung mua quà tặng các bạn nhỏ khó khăn.
Chuyến đi này, Trọng Khoa cảm nhận được sự thiếu thốn, khó khăn của những bạn bè người dân tộc thiểu số nơi vùng đất cao nguyên xa xôi này. “Phần đóng góp của em tuy không lớn nhưng khi trao quà đến các bạn, em rất vui. Các bạn cũng bằng tuổi hoặc nhỏ hơn em nhưng hoàn cảnh rất đáng thương” – Trọng Khoa chia sẻ.
Gắn kết tình thân
“Mỗi hoạt động là dịp gắn kết tình thân giữa các thành viên trong gia đình. Mình thấy giáo dục con thông qua những trải nghiệm rất hiệu quả” – chị Minh Trí cho hay.
Cả ba thế hệ gia đình anh Trần Văn Phước thường đi cùng nhau trong những chuyến thiện nguyện. Là con một nhưng Bảo hiểu và gần gũi cha mẹ, ông bà bởi với cậu bạn thì tình thân là “món quà thiêng liêng”. Vì Bảo hiểu những bạn mồ côi thiệt thòi hơn mình, không có ba mẹ hay ông bà nội ngoại, từ đó cậu bạn trân quý hơn tình cảm gia đình. “Dù cháu không nói ra nhưng tôi thấy cháu có những cảm nhận qua mỗi chuyến đi, trở về con sẽ thấy yêu quý tình cảm gia đình hơn. Mong con nuôi dưỡng tình cảm, cách sống tốt” – anh Phước nói.
Đã đăng ký cả gia đình bốn thành viên sẽ tham gia chuyến thiện nguyện diễn ra trong hai ngày cuối tuần 26 và 27-2 đến với các bạn nhỏ và bà con đồng bào trên đại ngàn Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum), chị Tuyết Hằng, mẹ của hai bạn Minh Đăng (lớp 7) và Hải Đăng (lớp 9), chia sẻ: “Tuổi này các con cũng bắt đầu ít thích đi đâu cùng ba mẹ nhưng những chuyến đi hoạt động xã hội, trao quà, phụ giúp sắp xếp khi các y bác sĩ khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng sâu vùng xa, con thấy nhiều nơi còn khó khăn, nhiều bạn không đủ điều kiện mà biết quý trọng những gì các con đang có. Mỗi lần đi cũng là dịp để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn khi cùng tham gia các trò chơi tập thể”.
Trong các chuyến đi, các bạn nhỏ còn tự tay làm những món quà tặng bạn bè như vòng đeo tay, bong bóng nghệ thuật…
Những hành động đẹp, những mầm thiện cứ thế được ươm trong lòng con trẻ.
Theo tuoitre.vn