Cuộc khảo sát vừa được thực hiện bởi CEL Consulting Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng ở khâu cung ứng (quá trình từ trang trại đến nhà bán lẻ), đã có hàng trăm tấn thực phẩm bị thất thoát mỗi năm bởi việc bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển không bảo đảm. Tỷ lệ thất thoát này tại Việt Nam còn cao hơn tỷ lệ trung bình ở Đông Nam Á.

Tại cuộc hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu diễn ra tại TPHCM hôm 7-3, ông Julien Brun, Tổng giám đốc CEL Consulting, đơn vị thực hiện cuộc khảo sát, cho biết câu chuyện thất thoát, lãng phí thực phẩm tại Việt Nam đã được nói đến nhiều năm trước nhưng đây là lần đầu tiên được lượng hóa bằng những con số cụ thể. Dù rằng, đây cũng mới chỉ là những con số ở bên cung ứng.

Theo tính toán của CEL Consulting, mỗi năm, Việt Nam lãng phí 694.000 tấn thịt; 7 triệu tấn rau củ quả các loại; 805.000 tấn thủy hải sản trong quá trình bảo quản sau nuôi trồng, đánh bắt cũng như vận chuyển. Bên cạnh đó còn 168 triệu quả chuối; 11.000 con heo và 139.000 con gà bị thất thoát mỗi ngày.

Đó là chưa kể công sức, thời gian mà người nông dân bỏ ra; lượng nước đã sử dụng để tạo ra khối lượng thực phẩm đã mất này hay thậm chí là cuộc sống của nhiều người…

Nếu tính theo mặt hàng hay tỷ lệ thì nhóm rau, củ quả có mức độ thất thoát cao nhất, tới 31%, trong đó hư hỏng ở khâu sau thu hoạch tới 26%, tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức 15% ở khu vực Đông Nam Á. Với mặt hàng thịt thì tỷ lệ thất thoát, lãng phí là 14% và nhóm sản phẩm thủy hải sản là 12%.

Trong khi đó, cũng theo ông Julien Brun, hiện có 14% người nông dân được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết có sử dụng chuỗi cung ứng lạnh trong bảo quản, chế biến, vận chuyển nông sản làm ra.

Những con số này cho thấy, hiện có rất nhiều lương thực, thực phẩm đã tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc của con người và tài nguyên thiên nhiên (nước, đất) để tạo ra nhưng lại không đến được với người tiêu dùng. Và theo ông Julien Brun, những con số cụ thể của câu chuyện không mới với hàng loạt lý do, nguyên nhân quen thuộc như mạng lưới, đầu tư… này thêm một lần nữa khiến các bên liên quan, không chỉ là người nông dân, sản xuất mà còn là cơ quan quản lý cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn thực phẩm và tạo ra chuỗi thực phẩm tươi, ngon.

Ông Lương Quang Thi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty ABA, một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực lưu trữ và vận chuyển lạnh chia sẻ bên lề hội nghị rằng, việc bảo quản, vận chuyển không đúng cách sau thu hoạch, chế biến không những làm thất thoát, lãng phí thực phẩm mà còn làm giảm sút chất lượng, tác động không tốt đến sức khỏe của người sử dụng thực phẩm.

Cũng theo ông Thi, ở Việt Nam, người tiêu dùng lẫn người sản xuất vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh, giải pháp để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí thực phẩm. Có thực tế là có những nhà sản xuất sản phẩm thực phẩm cố tình cắt bớt một số khâu trong chuỗi cung ứng lạnh để giảm chi phí. Đây là một trong những khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. Bên cạnh đó là việc chi phí vận hành lớn vì thị trường manh mún, quy mô nhỏ.

Còn ông John Mandyck, Phó chủ tịch về phát triển bền vững của Tập đoàn United Technologies Corp., lại đưa ra số liệu 40% thực phẩm đang bị lãng phí trên toàn thế gip71i vì nhiều lý do. Trong số này, một phần ba là do người tiêu dùng mua nhưng không sử dụng hết; hai phần ba là do hư hỏng trong quá trình thu hoạch, chế biến, vận chuyển. 

Thực phẩm bị thất thoát, lãng phí không chỉ làm mất đi cơ hội được cứu đói của hàng triệu người trên thế giới mà còn gây ra những vấn đề như gia tăng phát thải nhà kính, lãng phí nguồn nước sạch… 

Theo thesaigontimes.vn