Theo thống kê của Foodbank, ở Việt Nam hiện nay, các món như: cơm, bún, phở, mì chiếm tỉ trọng lớn nhất trong biểu đồ những loại thực phẩm lãng phí kế đến là thịt, cá nấu chín và rau củ…
Giới trẻ có đang lãng phí thực phẩm
Hưởng ứng ngày lương thực thế giới 16.10, Foodbank Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động để người trẻ trao đổi và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phòng chống lãng phí thực phẩm, từ đó thay đổi hành vi, hướng đến một xã hội văn minh, không còn đói kém. Trong đó, Lãng phí thực phẩm và trách nhiệm của người trẻ là chủ đề được nhiều sinh viên, bạn trẻ đã có mặt tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quan tâm.
Thế hệ gen Z hiện nay rất thích ăn uống theo trào lưuTHANH DUNG |
Nhìn nhận về những hoạt động ăn uống lãng phí, Nguyễn Hoài Bảo, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết những hành vi ăn uống, lãng phí thực phẩm cũng là thực trạng chung của từng người trẻ, đặc biệt là giới sinh viên hiện nay. Nguyên nhân chính từ tác động của mạng xã hội gây nên.
Theo Hoài Bảo, những trend (trào lưu) ăn uống đó trở thành thói quen, từ thói quen đó dần trở thành những vấn đề tiêu cực. Giới trẻ hiện nay ăn vô tội vạ, chỉ biết ăn mà không cần biết về sau. Dễ bị vướng vào các quảng cáo giảm giá, mua thức ăn về để đó nhưng không bao giờ ăn tới.
“Thêm nữa là bạn trẻ thường ăn theo trào lưu là chủ yếu. Bạn trẻ chỉ nghe, xem, chưa có đánh giá về món ăn thực tế, cho nên khi ăn chưa thật sự ngon thì các bạn bỏ lại, không ăn hết. Ngoài ra, xu hướng những món ăn đắt tiền, tô phở, hủ tiếu khổng lồ giá 1 triệu, 2 triệu hay nhiều hơn nhưng chỉ để chụp ảnh sống ảo mà không ăn thực sự. Mặt khác một người khi ăn những tô phở khổng lồ như vậy không giúp ích gì thêm cho cơ thể thì đó cũng là lãng phí rồi”, Bảo chia sẻ.
Cũng thừa nhận thỉnh thoảng bị “đói con mắt”, ăn không hết thức ăn sau khi mua, Lâm Thị Hồng Hương, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhận thấy đó cũng là lỗi của những người trẻ như Hương.
Người trẻ cho biết cần tiết kiệm, tránh lãng phí thức ăn ngay từ bây giờDẠ THẢO |
“Thật ra, những bạn trẻ ở thành phố luôn có điều kiện ăn uống tốt hơn các bạn ở vùng sâu, vùng xa. Họ thường không đủ ăn, đủ mặt nhưng ở thành phố lại lãng phí rất nhiều. Cho nên việc ăn uống của người trẻ phải nghĩ đến người khác nữa. Dù thức ăn là từ tiền của mình mua”, Hương bày tỏ.
Gen Z ăn để hưởng thụ, theo trào lưu
Theo thống kê của Foodbank, Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm trong khu vực. Hơn 50% thức ăn bị lãng phí ban đầu được tạo ra do tâm lý “để phần” cho những người không thể có mặt trong bữa ăn đó cùng gia đình. 49% những người để thức ăn trong tủ lạnh sẽ quên lãng nó đến khi đồ ăn không còn ăn được. 35% không biết cách kiểm soát khẩu phần ăn (khi chế biến, nấu nướng) một cách hợp lý dẫn đến nấu dư thừa so với nhu cầu ăn uống của gia đình.
Tại Việt Nam, các món như cơm, bún, phở, mì chiếm tỉ trọng lớn nhất trong biểu đồ những loại thức ăn bị lãng phí (68%). Kế đến là thịt, cá nấu chín (53%) và rau củ (44%).
Chuỗi cung ứng, hạ tầng, các vấn đề sau thu hoạch là nguyên nhân làm thực phẩm giảm chất lượng. Năm 2020, theo một khảo sát của Bộ NN&PTNT, tỷ lệ thất thoát thực phẩm, nông sản trước chế biến trung bình của trái cây Việt Nam là 10%, rau củ là 20-50%, thủy hải sản từ 30-35%. Tổn thất lương thực vào khoảng 10-15%.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Foodbank Việt Nam, cho rằng lãng phí thực phẩm ở Việt Nam hiện nay không nằm ở một hay nhóm đối tượng nào. Hiện tượng này xuất hiện khắp nơi, từ chiếc tủ lạnh trong gia đình, nơi sản xuất thực phẩm và nhất là những bữa ăn của người trẻ.
Bạn trẻ tham gia ngày hội tránh lãng phí thức ănDẠ THẢO |
Trong đó, nhu cầu ăn uống của người trẻ hiện nay trở nên bùng nổ hơn ở thời kỳ của các bạn gen Z. Cụ thể hơn, những thế hệ 7X khi xưa quan niệm ăn để no, về sau thế hệ 8X, 9X bắt đầu biết ăn để thưởng thức, và bây giờ thế hệ gen Z chọn thức ăn để vừa thưởng thức, tận hưởng lại còn phải theo trào lưu. Những dạng ăn uống hay các trào lưu này ngày một nhiều hơn như: buffet, nhà hàng, hàng rong và nhiều món ăn khác nhau được sáng tạo nên.
Thông thường, các buổi ăn này người trẻ thường không dùng hết, bỏ lại rất nhiều thức ăn. “Nhất là trong các tiệc buffet, nhà hàng hoặc trong các tiệc cưới là dễ nhận thấy nhất. Có nhiều lý do để người trẻ bỏ lại và gây lãng phí thực phẩm cực kỳ lớn”, ông Khởi nói.
Đồng thời, ông Khởi cũng nhìn nhận thế hệ gen Z hiện nay cũng đã và đang có cái nhìn về trách nhiệm cộng đồng với thực phẩm. Cụ thể là yêu cầu các thương hiệu, nhà hàng, quán ăn có trách nhiệm hơn với cộng đồng trong việc tiết kiệm nguồn lương thực tránh lãng phí thực phẩm hiện nay.
Theo Báo Thanh Niên