Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), thế giới cần đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững để giảm đói nghèo, tạo sinh kế cho cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo 2 cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc này, chuỗi cung ứng thực phẩm rất quan trọng để duy trì chất lượng, giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khoảng 14% thực phẩm được sản xuất cho con người bị hao hụt trước khi đến tay người tiêu dùng. Theo bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP, vào thời điểm cộng đồng quốc tế phải hành động để giải quyết các cuộc khủng hoảng lương thực và khí hậu, chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Tình trạng lãng phí thực phẩm đang diễn ra khi số người đói trên toàn thế giới tăng lên 828 triệu người vào năm 2021, tăng hơn 46 triệu người so với năm 2020. Nguyên nhân một phần là do tác động của đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao và cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Theo UNEP và FAO, các nước đang phát triển có thể tiết kiệm 144 triệu tấn thực phẩm hàng năm nếu họ có được cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng thực phẩm ngang bằng với các quốc gia giàu có hơn. Riêng thất thoát lương thực sau thu hoạch làm giảm 15% thu nhập của 470 triệu nông dân quy mô nhỏ, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Vì vậy, đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững sẽ giúp đưa các gia đình nông dân này thoát nghèo.
Theo Tổng Giám đốc FAO Dongyu Qu, chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững cũng có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs). Theo đó, các bên liên quan có thể giúp cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm để chuyển đổi hệ thống nông sản hiệu quả hơn, bao trùm hơn, linh hoạt và bền vững hơn, từ đó đóng góp dinh dưỡng tốt hơn, tạo môi trường và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Ngoài ra, vấn đề phát thải khí nhà kính do lãng phí trong chuỗi cung ứng thực phẩm cũng đáng chú ý.
Theo UNEP, trong năm 2017, thất thoát thực phẩm và thực phẩm đào thải do thiếu tủ đông tạo ra khoảng 1 gigatonne (1 tỷ tấn) CO2, tương đương khoảng 2% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Báo cáo của FAO và UNEP cho biết, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm có thể tạo ra tác động tích cực đến biến đổi khí hậu, nhưng chỉ khi cơ sở hạ tầng trong hệ thống cung ứng thực phẩm được thiết kế sử dụng các loại khí ít có khả năng làm nóng lên toàn cầu.
Theo FAO, các chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững đã và đang tạo ra sự khác biệt ở các quốc gia như Ấn Độ. Tại đây, một dự án thí điểm đã giảm thất thoát trái kiwi tới 76%, đồng thời giảm lượng khí thải thông qua việc mở rộng sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng sạch. Tại Nigeria, một dự án lắp đặt 54 trung tâm trữ đông thực phẩm giúp tránh làm hỏng 42.024 tấn thực phẩm và tăng 50% thu nhập của 5.240 hộ nông dân quy mô nhỏ, nhà bán lẻ và bán buôn.
Để mở rộng chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững trên toàn cầu, FAO và UNEP đưa ra một loạt khuyến nghị cho các chính phủ và các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh xây dựng hệ thống tổng thể để cung ứng chuỗi lạnh thực phẩm, định lượng và chuẩn hóa việc sử dụng năng lượng và khí nhà kính trong các dây chuyền giữ lạnh thực phẩm. Bên cạnh đó là việc triển khai các kế hoạch hành động làm lạnh chuỗi cung ứng thực phẩm quốc gia với sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính.
Theo Báo SGGP