Hành vi lãng phí làm tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và ảnh hưởng đến giá bán thực phẩm. Hơn nữa, tác động môi trường của nó là hết sức nghiêm trọng
Hanoi Food Recuse (HFR) được nhiều người ở Hà Nội gọi bằng tên “Biệt đội giải cứu đồ ăn”, với mô hình “cứu trợ thực phẩm”. Gần 11 năm qua, HFR đã đem các suất ăn miễn phí đến những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo trên địa bàn TP Hà Nội. Toàn bộ suất ăn được HFR phân phát đều là những thực phẩm sạch, chất lượng, được thu gom từ nhiều nhà hàng, khách sạn.
Khi mới thành lập năm 2012, HFR chỉ có 5 thành viên, gặp vô vàn khó khăn. Ngô Hà Châu – người đưa ra ý tưởng thành lập HFR – nhớ lại: “Nhóm đi đến các khách sạn, nhà hàng đặt vấn đề “giải cứu đồ ăn” thì hầu hết đều bị từ chối vì chưa quen và chưa tin tưởng hoạt động này. Hơn nữa, trong quá trình vận chuyển, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong khâu bảo quản cũng sẽ làm thức ăn bị hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của khách sạn, nhà hàng”.
Bước sang năm thứ 11, HFR đã có hàng trăm thành viên tham gia. Trương Bảo Hân – Chủ tịch mùa thứ 11 của HFR – cho biết mong muốn lớn nhất của HFR là thành lập được “Ngân hàng lương thực”. Không chỉ “giải cứu đồ ăn” đơn thuần, ngân hàng ấy sẽ đóng vai trò trung tâm, nơi tiếp nhận đồ ăn chưa qua sử dụng được chính những nhà hàng, khách sạn hoặc các tổ chức, cá nhân gửi đến, sau đó có nhiệm vụ phân phát đến những người nghèo, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó, Food Bank Việt Nam là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận kết nối và chống lãng phí thực phẩm, hoạt động trong nước và quốc tế hướng tới một tương lai không còn nạn đói ở Việt Nam và Đông Nam Á bằng cách duy trì, đoàn kết và củng cố các ngân hàng lương thực trong nước. Food Bank Việt Nam còn đồng hành với các bộ, ban, ngành quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả, năng suất, an toàn thực phẩm. Đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững – một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Food Bank Việt Nam, với mục tiêu “Làm cho thực phẩm có giá trị hơn”, vừa qua Food Bank đã cho ra mắt dự án chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm Food Share, bao gồm 5 mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp Food Bank hướng đến. Đó là: Ứng dụng công nghệ kết nối và chống lãng phí thực phẩm; sàn thương mại điện tử thực phẩm chia sẻ Foodshare Market; thành lập mạng lưới các CLB Food Sharing đi vào hệ thống giáo dục từ học sinh đến sinh viên; tổ chức thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của cộng đồng bằng các hoạt động trọng tâm; thúc đẩy thành lập hiệp hội chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm tại Việt Nam.
“Hiện nay, hành vi lãng phí làm tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và ảnh hưởng đến giá bán thực phẩm. Hơn nữa, tác động môi trường của nó là hết sức nghiêm trọng. Việt Nam không thể đứng ngoài trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Trước hết, phải kiểm soát ngay từ nguồn sản xuất, ngăn chặn những chất độc hại có trong sản phẩm từ nguồn phát sinh ra chất thải. Khi giải pháp này được kiểm soát tốt, chất thải thực phẩm sẽ được tái sử dụng, tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh. Cùng với đó, phải kiểm soát gắt gao các nguồn chất thải thực phẩm. Cuối cùng, đòi hỏi sự đóng góp của khoa học, khi chất thải thực phẩm đã bị nhiễm độc và cần xử lý thì phải tìm giải pháp tách hoặc vô hiệu hóa độc chất trước khi đưa nó tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ” – ông Nguyễn Tuấn Khởi nói.
Theo Người Lao Động