Ngày 6/10, tổ chức Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam) đã phát động chương trình “Thử thách Anh hùng thực phẩm” nhằm hướng đến Ngày lương thực Thế giới (16/10).
Đây là hoạt động nhằm khuyến khích mọi người cùng thực hiện thử thách an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị của thực phẩm, chống lãng phí thực phẩm tại gia đình của mình nói chung và xã hội nói riêng. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được nhận 1 sticker “Anh hùng thực phẩm” và “Tiêu chí để trở thành anh hùng thực phẩm” để dán trực tiếp lên tủ lạnh nhà mình nhằm nhắc nhở bản thân: ăn sạch bát đĩa, giữ tủ lạnh thật sạch, tiết kiệm năng lượng, trao đổi và chia sẻ thực phẩm.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi chia sẻ tại buổi lễ phát động chương trình “Thử thách anh hùng thực phẩm”.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Food Bank Việt Nam, người sáng lập Mạng lưới thực phẩm bền vững Food Share cho biết, lễ phát động chương trình “Thử thách anh hùng thực phẩm” nằm trong chuỗi chương trình Diễn đàn thực phẩm bền vững – Food Forum và Lễ tôn vinh các sáng kiến và nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững – Food Hero Awards 2023, nhằm hưởng ứng Ngày lương thực Thế giới.
“Nhiều chiến dịch cũng như các giải pháp về chống lãng phí thực phẩm đã được thực hiện trên thế giới. Tại Việt Nam, để giảm tải lãng phí thực phẩm là vấn đề không chỉ liên quan tới an ninh lương thực mà còn liên quan tới môi trường. Vì vậy, thông qua chuỗi sự kiện lần này, chương trình muốn tác động trực tiếp đến tư duy của mỗi cá nhân, hộ gia đình để họ tự giác ý thức biết “tôn trọng” thực phẩm mình làm ra hoặc người khác tạo ra, chống lãng phí thực phẩm tại hộ gia đình. Mỗi cá nhân là một anh hùng thực phẩm, hãy cùng hành động vì tương lai của con người và hành tinh xanh”, ông Nguyễn Tuấn Khởi chia sẻ.
Hoạt động “Dọn sạch tủ lạnh” cũng được triển khai tại chương trình nhằm giảm tình trạng vứt bỏ đồ ăn thừa, kết nối và trao đổi thực phẩm cho những người khác, có thể họ cũng đang cần. Hoạt động này đã được tổ chức Food Bank triển khai thông qua mô hình “Tủ lạnh cộng đồng” với slogan “Ai cần đến lấy, ai dư hãy góp một ít nhé!” .
Theo báo cáo của Liên hiệp Quốc, tính riêng lượng nước dùng trong quá trình sản xuất thực phẩm lãng phí có thể tương đương với lượng nước hàng năm chảy dọc sông Volga – con sông lớn nhất tại Châu Âu. Còn lượng năng lượng phục vụ quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và đóng gói thức ăn lãng phí đã tạo ra 3,3 tỷ tấn CO2.
Theo Báo Tin Tức