Suốt 7 năm hoạt động với mục đích góp phần giảm sự lãng phí thực phẩm và mong muốn hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, “Ngân hàng thực phẩm Việt Nam” với tên gọi là Food Bank Việt Nam đã dần trở nên thân quen với những mái ấm, bếp ăn… cũng như những người nghèo ở nhiều thành phố.
Từ trăn trở và tâm huyết của anh Nguyễn Tuấn Khởi gần chục năm trước, chương trình đã bắt đầu. Khởi đi với một bếp ăn thiện nguyện, ngân hàng thực phẩm dần dần hình thành, mang diện mạo rõ nét như hôm nay. Bóng dáng những chiếc áo, thùng xe đựng thức ăn màu xanh lá non xuôi ngược đến nhiều khu lao động, các tuyến đường nhộn nhịp vào những buổi trưa để phát cơm, tặng thức ăn… trở nên quen thuộc với nhiều người.
Nói một cách dễ hiểu nhất, có thể diễn giải Food Bank Việt Nam hoạt động như một trung tâm cung cấp thức ăn cho các tổ chức từ thiện và các nhóm cộng đồng. Bằng cách hợp tác, kêu gọi những doanh nghiệp, siêu thị, công ty thực phẩm, nhà vườn, hộ nông dân tặng nguồn thực phẩm mà họ tiêu thụ không hết, Food Bank trong vai trò là cầu nối, đã mang những thực phẩm, nông sản đó đến các bếp ăn thiện nguyện cho người cần.
Đối tượng chính mà Food Bank hướng đến là những người khó khăn, không có điều kiện nấu ăn nhất thời, những người cần hỗ trợ dài hạn như người vô gia cư, người đến từ các mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão… Bữa ăn của nhiều hoàn cảnh khó khăn được cải thiện, tiết kiệm một phần chi phí trong cuộc sống và hỗ trợ các tổ chức thiện nguyện khác về bữa ăn từ thiện tại bệnh viện…
Các tình nguyện viên của chương trình này cũng dần mở rộng phạm vi hoạt động, vận động các tổ chức, đơn vị (nhà hàng, quán ăn, các hộ nông dân…) ký cam kết sử dụng tiết kiệm thực phẩm, hỗ trợ thực phẩm, bán trợ giá cho người khó khăn và tạo thói quen tiết kiệm chống lãng phí thực phẩm cho mọi người. Người sáng lập và là giám đốc Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam, anh Nguyễn Tuấn Khởi chia sẻ: “Vai trò của Food Bank không chỉ là một bữa ăn cứu đói, mà mong có tác động lớn, giúp bảo vệ môi trường, làm giảm bớt và tránh lãng phí lượng thực phẩm không được sử dụng. Khi sản xuất thực phẩm, chúng ta đã sử dụng một nguồn tài nguyên lớn rồi vì vậy không nên lãng phí”.
Kho thực phẩm hỗ trợ cộng đồng thứ 4 tại Kiên Giang vừa được khai trương đầu tháng 5
Những thành viên của Food Bank đã thực hiện rất nhiều các dự án đa dạng những cách thức vừa giúp chia sẻ thực phẩm vừa giảm lãng phí. Có thể kể đến các mô hình Bếp yêu thương, Tủ lạnh cộng đồng, Cơm di động miễn phí, Nhà hàng chia sẻ, Siêu thị chia sẻ... đã giúp đỡ nhiều người trong giai đoạn khó khăn. Người dư đem đến cho, người cần cứ đến nhận theo nhu cầu, vì vậy đã giúp nhiều thực phẩm không bị bỏ phí. Bà Trần Thị Hạnh (TP. Thủ Đức) thường nhận cơm trưa từ dự án Bếp yêu thương kể: “Từ hồi còn ở trong những ngày dịch bệnh, tôi may mắn đã được nhận cơm khi không thể đi làm. Mấy anh chị trao tặng bữa ăn cũng nói cho tôi về việc sẻ chia thực phẩm của tổ chức này. Họ không chỉ tặng cơm mà còn tặng thực phẩm. Lâu lâu, tôi lại thấy họ bày quầy bán hàng giải cứu nông sản cho nông dân nữa”. Nữ tu phụ trách mái ấm Vinh Sơn (Q.Bình Thạnh) cũng cho biết, sơ luôn trân trọng những nỗ lực của đội ngũ Food Bank bởi đã thường xuyên hỗ trợ mái ấm…
Khi hoạt động, Food Bank gầy dựng thêm mạng lưới liên kết với những người, nhóm cùng thao thức việc tránh lãng phí thực phẩm. Mạng lưới Food Bank đã có mặt ở nhiều tỉnh thành. Đầu năm 2022, Food Bank đã ra mắt kho thực phẩm tại quận Thủ Đức. Đây là nơi thu nhận, phân loại và bảo quản thực phẩm được hỗ trợ từ nhiều nguồn. Từ đây thực phẩm được chuyển đến các mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão, các tổ chức thiện nguyện… Đến nay có hàng trăm mái ấm được hỗ trợ ở khắp các tỉnh.
Sau khi ra mắt kho lưu trữ thực phẩm đầu tiên ở TPHCM, chương trình đã tiếp nối mở rộng các kho lưu trữ thực phẩm cộng đồng tại Hà Nội, Bến Tre và gần nhất đầu tháng 5 vừa qua mở tại Kiên Giang. Theo chia sẻ của ban điều hành, Food Bank sẽ tiếp tục phát triển lên 20 kho lưu trữ thực phẩm cộng đồng trên toàn quốc để tiếp cận được nhiều hơn những đối tượng người khó khăn, yếu thế.
Nhiều người nhận được hỗ trợ từ thực phẩm của các dự án Food Bank
Như đã nói về sự đa dạng của hoạt động chia sẻ nguồn thực phẩm, khi những nông dân rơi vào tình trạng rớt giá nông sản phải bỏ đi, Food bank cũng đến hỗ trợ nông dân với giá tốt nhất trong khả năng và đem chuyển tặng nơi cần hoặc bán ở thành phố. Ngân hàng thực phẩm này cũng bắt đầu hoạt động trao đổi thực phẩm hằng tuần tại chợ đầu mối Thủ Đức bằng cách sẽ đổi một loại thực phẩm bất kỳ tại kho thực phẩm của mình cho các sạp buôn bán tại chợ để nhận về nguồn thực phẩm là rau, củ quả… mà họ không bán hết. Việc trao đổi này đặt trên sự thỏa thuận vui vẻ giữa hai bên, vì đích đến là tương trợ nhau và tránh lãng phí.
Vẫn còn rất nhiều dự án ấp ủ phía trước của những người gắn bó với ngân hàng thực phẩm. Hy vọng rằng họ sẽ giữ được sức bền, tâm huyết của mình để lan tỏa nhiều thông điệp đẹp, đặc biệt là chống lãng phí và hỗ trợ những ai đang có nhu cầu, nhưng lại gặp thiếu thốn, trở ngại…
Food Bank là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với sứ mệnh cung cấp thực phẩm miễn phí cho người yếu thế và thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm. Tại Việt Nam, Food Bank được ra đời từ năm 2016 và từ 2022 là thành viên của mạng lưới Food Bank toàn cầu với 44 nước, có trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Food Bank Việt Nam hoạt động với sự bảo trợ của Trung ương Hội Chữ Thập Ðỏ Việt Nam và Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam (thuộc Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam) theo mô hình doanh nghiệp xã hội với pháp nhân là: Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã Hội Food Share.
Tổng Hợp