Có một thực tế là trong khi có những người đang thiếu ăn hoặc phải sử dụng những thực phẩm không lành mạnh, thì tại nhiều nơi trên thế giới, thực phẩm vẫn còn dùng được lại bị vứt bỏ, một trong số đó có Philippines. Trước thực trạng này, Quốc hội Philippines đã ra một đạo luật cấm các nhà hàng, siêu thị vứt bỏ thức ăn thừa, thay vào đó họ phải quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm để phân phát cho người nghèo. Song song với đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã bắt đầu nâng cao nhận thức của mọi người về chống lãng phí thực phẩm.
Cái đói đã khiến nhiều người dân nghèo ở Thủ đô Manila của Philippines phải lục lọi bãi rác để tìm kiếm thức ăn. Thức ăn không cần phải ngon, chỉ cần không làm họ đau bụng. Bà Filipa Balde – Người dân Philippines chia sẻ, “Mọi người có thể lấy mang về, nó không hỏng đâu. Tôi thường mang về nhà, rửa sạch, đun sôi lên rồi chế biến”.
Bà Filipa Balde nuôi gia đình bằng thức ăn mà người khác đã vứt đi. Đây là một mặt khác của Philippines: Thịnh vượng, nhưng cũng lãng phí. Các bữa ăn tự chọn rất phổ biến với những người có khả năng chi trả, tất nhiên các nhà hàng vứt đi rất nhiều thức ăn mà họ đã nấu. Sự phát triển ngày càng tăng lại đi đôi với sự lãng phí. Ước tính, 300 nghìn tấn gạo bị vứt đi ở Philippines mỗi năm.
Theo cô Melody Melo Rijk, thành viên Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Philippenes (WWF), “Thời gian gần đây, chúng ta đang lãng phí rất nhiều tài nguyên như nước, điện, nguồn dinh dưỡng của đất và đặc biệt là vấn nạn lãng phí thực phẩm. Lãng phí thức ăn, đồng nghĩa với việc tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.
Là một đầu bếp, anh Marlon Azuelo đang thực hiện giải pháp chống lại sự lãng phí này. “Cách tốt nhất là kiểm soát khẩu phần thức ăn. Trước đây chúng tôi thường phục vụ khẩu phần lớn nên lãng phí rất nhiều, vì vậy, chúng tôi quyết định giảm kích cỡ khẩu phần các món ăn”.
Khách sạn nơi anh Azuelo làm việc thậm chí còn tổ chức cho khách những tour tham quan khu vườn của riêng nhà bếp và cả các lớp nấu ăn. Tại đây, anh Azuelo chỉ cho khách cách thải rác tối thiểu khi nấu ăn tại nhà. Anh khuyên mọi người nên sử dụng các bộ phận của cây mà thường bị bỏ như hoa chuối hoặc làm khoai tây chiên từ vỏ khoai tây, hay súp từ vỏ củ hành tây. “Giờ tôi mới nhận ra rằng trước đây đáng lẽ tôi nên phải tận dụng hết tất cả các phần của nguyên liệu. Tôi nghĩ rằng, bây giờ tôi nên có trách nhiệm hơn trong việc chuẩn bị và chế biến thức ăn”.
Tất nhiên, các khóa học tại một khách sạn sang trọng như vậy không thể tiếp cận được nhiều đối tượng, nên khối lượng lớn thực phẩm sẽ vẫn tiếp tục bị bỏ đi khắp Philippines. Nhưng giờ đây, Philippines đã có quy định bắt buộc các nhà sản xuất thực phẩm, nhà hàng, khách sạn và siêu thị phải quyên góp thực phẩm dư và còn ăn được để phân phối cho người nghèo thông qua các ngân hàng thực phẩm.
Những gia đình như bà Filipa Balde có thể sẽ phải tiếp tục sống nhờ thực phẩm bỏ đi, nhưng nhận thức ăn thừa từ ngân hàng thực phẩm chắc chắn sẽ tốt hơn từ bãi rác.
Theo antv.gov.vn