Đó là nội dung chính cuộc trao đổi của Báo Người Lao Động với bà Lê Nguyệt Minh, Giám đốc Chiến dịch GROW – Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, về thông điệp “hãy nghĩ và cân nhắc trước khi ăn” nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6.
Phóng viên: Ăn uống là chuyện đơn giản, tại sao việc này lại được chọn làm chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay, thưa bà? – Bà Lê Nguyệt Minh:
Mỗi lần mở tủ lạnh, mở cửa chạn bếp là chúng ta đã bước vào hệ thống lương thực toàn cầu. Nghe có vẻ lạ nhưng đúng là như thế. Hệ thống lương thực, thực phẩm này như một cái mạng khổng lồ đan xen người tiêu dùng, nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức và chính phủ trong quá trình sản xuất, lưu thông, bán và tiêu thụ.
Chủ đề ngày môi trường năm nay kêu gọi cộng đồng quan tâm đến vấn đề lãng phí và mất mát thực phẩm. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), khoảng 30%-40% thực phẩm trên toàn cầu bị mất mát và lãng phí hằng năm, trong khi đó thế giới còn nhiều người bị đói. Đây là dấu hiệu đáng ngại vì lãng phí thực phẩm là lãng phí tài nguyên, quỹ đất và nguồn nước; công sức của nông dân đã một nắng hai sương làm ra lương thực, thực phẩm.
* Bà đánh giá thế nào về thực trạng lãng phí thực phẩm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?– Oxfam đã phỏng vấn hơn 5.000 các bà nội trợ ở thành thị của 6 nước trên thế giới để tìm hiểu về thói quen tiêu dùng của gia đình, mối quan tâm tới chất lượng thực phẩm hay việc thực phẩm đó đã được sản xuất như thế nào. Xu hướng chung là thực phẩm đã bị lãng phí ở nhiều cấp độ khác nhau.
Trong khi nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa còn thiếu ăn thì nhiều người
ở thành thị lãng phí thức ăn trong các bữa tiệc tùng
Ảnh: TẤN THẠNH – THIÊN KIM
Theo tính toán của FAO, lãng phí thực phẩm bình quân của mỗi người tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt là 95 và 115 kg/năm, trong khi con số này ở tiểu vùng Sahara châu Phi và Đông Nam Á chỉ là 6 và 11 kg/năm. Nếu có điều kiện làm nghiên cứu sâu ở Việt Nam, tôi nghĩ xu hướng và thực trạng sẽ gần với nhóm sau.
Lãng phí từ suất ăn quá dư thừa calo phục vụ ở nhà hàng hay chuỗi bán đồ ăn nhanh cũng có nhiều phần trách nhiệm của ngành dịch vụ và chế biến thực phẩm.
* Tác hại của lãng phí thực phẩm, thưa bà?
– Nghiên cứu của Oxfam tại 6 nước cho thấy cứ 6 quả táo lại có 1 quả bị bỏ đi. Như vậy, uớc tính mỗi năm, có 5,3 tỉ quả lãng phí. Nếu xếp cạnh nhau, số táo này bám đủ 9 vòng quanh trái đất. Điều nguy hiểm là những quả táo héo này khi vứt bỏ vẫn tiếp tục sinh một lượng khổng lồ khí thải nhà kính, tương đương đốt 10 triệu thùng dầu.
Lúa là cây trồng rất khát nước. Để sản xuất được 1 kg gạo tốn hơn 1.400 lít nước. Trong 1 giây, 1 ha lúa cần lượng nước tương đương nước sinh hoạt cho 1.000 người. Đấy là chưa kể phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhất là công sức của nông dân. Ở Việt Nam, hơn một nửa trong số 16 lưu vực sông lớn đã từng bị thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, lãng phí 1 bát cơm là lãng phí cả một bồ tài nguyên và nhân lực.
Lãng phí thực phẩm còn có tác động sâu xa tới chất lượng sống, bình đẳng và phát triển con người. Mỗi năm, thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn lương thực, tương đương với toàn bộ lượng lương thực được sản xuất ở khu vực cận Sahara, châu Phi. Cũng theo FAO, trên toàn cầu cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Lãng phí thực phẩm không chỉ lãng phí tài nguyên, nhân lực, gây ô nhiễm môi trường mà còn là vấn đề về đạo đức.
* Tác hại của lãng phí thực phẩm đã quá rõ, vậy giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, thưa bà?
– Việt Nam có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Oxfam tin rằng người tiêu dùng có nhiều quyền lực và sức mạnh để góp phần tạo ra một hệ thống thực phẩm công bằng, bền vững hơn để không chỉ làm “nhẹ” trái đất mà còn giúp tất cả mọi người đều có một cuộc sống no đủ.
Oxfam có 5 lời khuyên tới người tiêu dùng: Tiết kiệm lương thực và giảm lãng phí thức ăn, hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ, mua thực phẩm theo mùa, nấu ăn thông minh để tiết kiệm năng lượng và ăn thực đơn cân bằng rau quả và thịt cá. Kết hợp cả 5 nguyên tắc trên sẽ cho kết quả lý tưởng nhất vì một bữa ăn tác động rất lớn đến môi trường. Từ nuôi trồng đến chế biến thành thức ăn rồi lãng phí đều sản sinh khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Khi thời tiết càng khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân mà tình trạng hạn hán, nhiễm mặn ngày càng lan rộng ở hai vùng đồng bằng lớn của Việt Nam là ví dụ.
* Bà đánh giá thế nào về tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lương thực ở Việt Nam hiện nay?
– Việt Nam dư cung lương thực và xuất khẩu nhiều nông sản nhưng cứ 5 trẻ em lại có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng, ước tính cả nước có khoảng 3 triệu trẻ. Vậy là trong thập kỷ tới, chất lượng lao động của 3 triệu người bị ảnh hưởng. Đây là một ví dụ về mất cân bằng và thiếu bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lương thực ở Việt Nam.Oxfam kêu gọi cả cộng đồng nhìn nhận vai trò quan trọng của nông dân trong quá trình bảo đảm an ninh lương thực và tiêu dùng thực phẩm bền vững. Tôi mong chúng ta cùng chia sẻ gánh nặng, đừng dồn hết cho nông dân, nhất là phụ nữ, trách nhiệm vun trồng một tương lai no đủ của cả dân tộc.
Theo Báo Lao Động